- Từ Lima qua Paris, nửa đoạn đường đã đi qua gặp không ít mấp mô, gập ghềnh. Và nửa đoạn đường còn lại cũng không phải trơn tru, bằng phẳng…
Như đã tiên liệu, con đường từ Lima đến Paris hay từ Hội nghị Thượng đỉnh COP20 đến COP21 sẽ còn nhiều “dông gió”, và thực tế hiện nay là như vậy. Cuộc gặp gỡ ở Bonn (Đức) với sự tham dự của 195 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (CCNUCC), vừa diễn ra trong 11 ngày đầu Tháng Sáu năm 2015; tức chính giữa cung đường thời gian của hai sự kiện COP20 và COP21, đã thể hiện điều đó.
Chủ tịch COP-21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phát biểu khai mạc Hội nghị Bonn ngày 01/06/2015. |
Sau 10 ngày đàm phán gay gắt giữa 195 đoàn đại biểu của CCNUCC vẫn chưa giải quyết được những dị biệt trong khi “Con đường từ Lima với COP20 qua Paris với COP21” đã trôi qua 6 tháng và chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa đã chạm cột mốc cuối cùng là Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu thường niên năm 2015 tại Paris..
Qua nửa cung đường Lima-Paris, ở Bonn kết quả vừa đạt được chỉ mới là sự thống nhất chỉnh sửa văn phạm và lời văn của một bản thỏa thuận sơ bộ được chuẩn bị ở cuộc đàm phán đầu tiên tại Geneve (Thụy Sĩ) vào tháng 2/2015 vừa qua, một văn bản bị đánh giá là “dài dòng, lủng củng và không rõ ràng, với nhiều câu chữ trùng lặp”.
Nay ở Bonn, chỉ với việc cắt bớt được khoảng 5-10%, tức bớt được 80 trang trong văn bản bằng tiếng Anh và 130 trang bằng tiếng Pháp, văn bản mới, rõ ràng, chưa giải quyết được nhiệm vụ trọng tâm đặt ra của cuộc gặp gỡ quan trọng ở Bonn lần này. Chưa có thể xem đó là văn kiện về “Biến đối Khí hậu” mang tầm pháp lý quốc tế và đặt lên bàn cho Hội nghị COP21 ở Paris cuối năm nay xem xét và thông qua. Văn bản Bonn còn thiếu những nội dung chủ yếu và quan trọng mà thế giới cần đến để chống chọi với mối đe dọa của “Biến đổi Khí hậu” đến sự tồn tại của loài người.
Trước hết, mục tiêu chủ yếu đặt ra cho Hội nghị thượng đỉnh cuối năm ở Paris là thống nhất giới hạn nhiệt độ bầu khí quyển không tăng quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100. Giới hạn tăng nhiệt độ đó chỉ mới là cam kết đưa ra bởi 37 nước đầu tiên bao gồm Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Nga, Canada và Mêhicô. Đáng lẽ Trung Quốc - nước gây ô nhiễm nhiều nhất cùng Úc, Nhật, Brazil, sẽ phải sớm công bố cam kết của quốc gia mình. Nhưng ở Bonn vừa rồi, các quốc gia đang phát triển, đứng đầu là Trung Quốc (và cả Ấn độ) vẫn tỏ ra chưa chấp thuận thỏa hiệp với các nước công nghiệp về nội dung đó. Cụ thể, hai quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn từ chối chia sẻ trách nhiệm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 40% đến 70%, từ nay đến năm 2050, được đưa ra trong lời kêu gọi của các nước G7 ở cuộc gặp gỡ ở thành phố Bayem (Đức) vừa diễn ra và kết thúc trước Hội nghị Bonn chỉ vài ngày. Thời hạn từ giờ tới cuối tháng 10/2015 được đặt ra cho họ cũng như một số nước còn lại phải công bố những mục tiêu nhằm hạn chế lượng thải khí nhà kính.
Một mục tiêu khác nữa, về tài chính, là vấn đề tài trợ khẩn cấp khoản tiền 100 triệu đôla cho các nước nghèo đang bị hiệu ứng nhà kính gây tổn hại trực tiếp, dù đang được mong đợi khẩn cấp, nhưng chưa có quyết định nào đưa ra ở Bonn. Còn lớn hơn nữa là nguồn quỹ 100 tỷ đôla tích lũy từ giờ cho đến năm 2020 để giúp các nước đang phát triển thực hiện các dự án giảm phát thải khí nhà kính. Hội nghị Bonn cũng gác lại mục tiêu này để chờ sự nhất trí của các nước công nghiệp phát triển !
Ngoài ra, một chủ đề không nhỏ khác nữa, đó là sự tranh cãi về chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng từ than đá qua năng lượng tái tạo, cũng chưa có hồi kết trong cuộc gặp gỡ Bonn. Mặc dù, Liên Hiệp Châu Âu đã có bước đi tiên phong với những cam kết cụ thể và Nga, Mỹ đã đưa ra những lời hứa, nhưng hầu hết các nước đều chưa loan báo mục tiêu đi tới với những biện pháp ràng buộc. Trong lúc đó, vấn đề than đá gây ô nhiễm là vấn đề sinh tử của một phần nhân loại. Theo cơ quan chống nạn đói Oxfam, khí thải của nhà máy nhiệt điện của các nước G7 có thể làm cho kinh tế thế giới thiệt hại 450 tỷ đôla mỗi năm từ nay cho đến cuối thế kỷ. Chỉ riêng nông nghiệp Châu Phi sẽ bị thiệt hại đến 43 tỷ đôla hàng năm từ nay đến năm 2080 và 84 tỷ mỗi năm vào hai thập niên sau đó nếu không có sự thay đổi.
Rõ ràng, nhiều nội dung chủ yếu đặt ra ở cuộc gặp gỡ lớn nhất trong nửa đầu năm 2015 này - hội nghị Bonn, nhưng do nhiều bất đồng và trở lực nên chưa được đưa vào bản dự thảo văn kiện trình Hội nghị Thượng đỉnh Paris cuối năm nay. Và hội nghị Bonn tuyên bố giao cho hai vị đồng chủ tịch hội nghị này tiếp tục xem xét trong mùa hè này và, sau đó, trao nhiệm vụ giải quyết tiếp cho hai cuộc họp cấp bộ trưởng vào các ngày 20-21 tháng 7 và ngày 7/9/2015 sẽ diễn ra tại Paris. Ngoài ra, các cuộc họp của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên Hiệp Quốc vào mùa thu này cũng có nhiệm vụ đóng góp ý kiến vào bản dự thảo. Và, cuối cùng, sẽ là ý kiến của Thượng đỉnh G20 diễn ra chỉ trước Hội nghị Thượng định COP-21 tại Paris 15 ngày.
Như vậỵ, nửa chặng đường thời gian từ Lima đến Paris đã đi qua. Trên nửa đoạn đường đó, cuộc gặp gỡ chính thức đâù tiên đã diễn ra ở Geneve vào tháng 2/2015. Tiếp theo là cuộc gặp gỡ Thượng đỉnh các nước G7 tiến hành ở Bayem (Đức) và mới nhất, cuộc gặp gỡ lớn nhất với sự tham dự của các đại biểu của toàn bộ các quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc ở Bonn (Đức) vừa kết thúc.
Nhưng, nửa đoạn đường đã đi qua này có không ít mấp mô, gập ghềnh. Và nửa đoạn đường còn lại chắc cũng không phải trơn tru, bằng phẳng.
Để đến tới đích, đến Paris, đến Hội nghị Thượng đỉnh COP21 vào tháng 12 năm 2015 nay với một văn kiện hoàn chỉnh, mang tính pháp lý thay thế Nghị định thư Kyoto đã hết hạn, đòi hỏi sự nổ lực và tinh thần trách nhiệm cao nhất của tất cả mọi quốc gia.
Trần Minh