CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung vừa công bố kết quả kinh doanh trong quý II/2020 với lợi nhuận sụt giảm 81% vì đại dịch Covid-19. Doanh nghiệp phải đóng cửa phần lớn các cửa hàng trong nửa đầu tháng 4.

Sở dĩ lợi nhuận giảm mạnh vì doanh thu giảm và chi phí tăng mạnh do nhu cầu vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh trong kế hoạch ứng phó dịch Covid-19.

Tính chung trong 6 tháng, PNJ lãi ròng gần 440 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.

Từ đầu năm, giá cổ phiếu PNJ đã giảm mạnh, từ mức 90.000 đồng/cp xuống dưới 60.000 đồng/cp như hiện tại.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2020 hồi giữa tháng 6, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, giá cổ phiếu giảm trên thị trường không đến từ việc hoạt động kinh doanh của công ty đi xuống, mà là sự suy giảm chung của cả nhóm ngành bán lẻ.

Ban điều hành của PNJ vẫn đang tính việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động ESOP để tạo ra động lực làm việc cho người lao động để thúc đẩy doanh nghiệp tăng mạnh như trong vài năm gần đây.

{keywords}
Bà Cao Ngọc Dung, chủ tịch PNJ.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi đại dịch 100 năm mới xuất hiện một lần như Covid-19, đại diện của doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc lớn này cũng khẳng định việc giá vàng tăng ảnh hưởng tới sức mua  của ngành vàng bạc đá quý.

Chỉ trong khoảng 2-3 phiên vừa qua, giá vàng đã tăng thêm 3-4 triệu đồng/lượng và hiện ở mức 53,5 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 22% so với hồi đầu năm.

Giá vàng cao khiến nhiều doanh nghiệp gần đây phải đóng cửa. PNJ vẫn gia tăng thị phần nhưng ảnh hưởng của việc vàng tăng giá là điều không thể phủ nhận.

Hồi cuối tháng 3 khi giá cổ phiếu PNJ xuống đáy 3 năm, con gái bà chủ công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Ngọc Dung là Trần Phương Ngọc Thảo đã mua vào 1 triệu cổ phiếu trên tổng số 2 triệu cổ phiếu đăng ký mua. Sau giao dịch, bà Thảo nắm giữ tổng cộng 5,74 triệu cổ phiếu PNJ, tương ứng tỷ lệ sở hữu 2,5%. Sau đó, Trần Phương Ngọc Thảo đã ứng cửa vào HĐQT PNJ.

Bà Cao Thị Ngọc Dung được xem là nữ hoàng trong ngành bán lẻ vàng bạc đá quý Việt Nam. Trong năm 2019 vừa qua, PNJ của bà Dung lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính, PNJ ghi nhận doanh thu thuần trong 2019 đạt 17 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 1.190 tỷ đòng, tăng trưởng tương ứng 17% và 24% so với năm trước đó.

Sở dĩ PNJ hay một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý như DOJI, Bảo Tính Minh Châu, Phú Quý,... có kết quả kinh doanh tốc và tăng trưởng đều đặn là bởi nền kinh tế Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng cao trong nhiều năm qua, đầu tư nước ngoài vào nhiều, thu nhập người dân tăng đều, dân số đông và các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh bán hàng.

Nhu cầu vàng miếng trong vài năm gần đây giảm mạnh do giá lên cao và tình trạng đầu cơ vàng suy giảm nhưng nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh, nhất là vào dịp lễ tết và ngày vía Thần tài các năm.

Dù vậy, trong năm 2020, các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 23/7, chỉ số VN-Index giảm nhẹ xuống ngưỡng 850 điểm.

Theo YSVN, thị trường có thể còn biến động hẹp với thanh khoản thấp trong các phiên tới. Đồng thời, dòng tiền tiếp tục phân hóa do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý II. Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu midcaps và smallcaps đang khá nổi trội hơn so với nhóm largecaps. Mức hỗ trợ ngắn hạn cho VN-Index là 850 điểm và nhóm largecaps đang quay trở lại vùng quá bán cho nên YSVN kỳ vọng lực cầu sớm gia tăng trong phiên tới ở nhóm cổ phiếu này. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư đang bi quan trở lại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/7, VN-Index giảm 6,61 điểm xuống 855,08 điểm; HNX-Index giảm 0,77 điểm lên 115,32 điểm. Upcom-Index tăng 0,21 điểm lên 57,57 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 4,9 ngàn tỷ đồng.

V. Hà