Mặc dù trong năm 2015, giá dầu sụt giảm mạnh nhất 5 năm, có lúc xuống gần 20 USD/thùng, giá khí giảm 19% song nhân viên của PGD - một doanh nghiệp thuộc Petro Việt Nam, vẫn hưởng lương trên 30 triệu đồng/tháng.

Công ty Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV GAS D - mã PGD) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2015 cho biết, tính đến cuối năm ngoái, số lượng cán bộ công nhân viên toàn công ty là 244 người, tăng 13,5% so với năm 2014. Trong đó, trình độ người lao động tương đối cao, khoảng 70,5% cán bộ nhân viên đạt trình độ đại học trở lên.

Đáng chú ý, mức lương bình quân năm 2015 của mỗi nhân viên PGD ở mức 30,05 triệu đồng/người/tháng, tăng xấp xỉ 7% so với năm 2014. Năm 2014, công ty có 215 người với mức lương bình quân đạt 28,53 triệu đồng/người/tháng.

{keywords}

Nhân viên PGD vẫn "sống đời sung túc" dù thị trường dầu khí ảm đạm

PGD cho biết, do đặc thù ngành nên công ty ưu tiên tuyển lao động chất lượng cao, song để tương xứng với yêu cầu thì chính sách lương, thưởng cũng cần được xây dựng rõ ràng, hợp lý, đặc biệt là đối với những nhân viên xuất sắc, có đóng góp lớn.

Chế độ làm việc với nhân viên PGD là 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần hoặc làm theo ca 8 tiếng, 40 giờ/tuần, được bố trí, điều chuyển nhằm phát huy tối đa năng suất và năng lực cá nhân. Việc chi trả tiền lương, tiền thưởng hàng tháng, quý, năm được phân bổ gắn với kết quả công việc, kết quả kinh doanh và tuân thủ theo quy chế trả lương, trả thưởng của công ty.

Ngoài các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật, nhân viên PGD còn được mua bổ sung các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động như bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ trả sau, bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Ngoài ra, báo cáo thường niên của PGD cũng cho thấy, năm vừa rồi, tổng số tiền lương và thù lao mà công ty chi cho hội đồng quản trị, ban kiểm soát và giám đốc công ty là trên 3,8 tỷ đồng.

Trong đó, ông Nguyễn Văn Sơn (nguyên Chủ tịch HĐQT - miễn nhiệm ngày 15/4/2015) nhận được 408,3 triệu đồng tiền lương, ông Trần Trung Chính (Chủ tịch HĐQT, được bổ nhiệm ngày 15/4/2015) nhận được 691,4 triệu đồng tiền lương.

Tuy nhiên, người nhận được tiền lương nhiều nhất trong năm 2015 là ông Trần Thanh Nam (Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc công ty, được bổ nhiệm ngày 15/4/2015) với 922,2 triệu đồng, ông Phạm Văn Huệ (Thành viên HĐQT) cũng có tổng lương cả năm đạt 877,3 triệu đồng.

Hai Phó Giám đốc là ông Đinh Ngọc Huy và Nguyễn Quang Huy cũng nhận được 749 triệu đồng lương năm 2015. Trong khi lương cho thành viên HĐQT khác là ông Lê Quyết Thắng là 675,2 triệu đồng và bà Phạm Thị Thu Hà (trưởng ban Kiểm soát) là 639,2 triệu đồng. Các thành viên chuyên trách trong Ban điều hành được hưởng các quyền lợi về chế độ thưởng các dịp lễ, tết, tháng lương thứ 13, khen thưởng … như các nhân viên trong công ty.

Đáng chú ý là chính sách tăng lương, thưởng và số lượng nhân công của PGD lại đặt trong bối cảnh năm 2015, sự lao dốc của giá dầu thế giới xuống còn quanh mức 40 USD/thùng, thậm chí có lúc xuống gần 20 USD/thùng - đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây đã gây sức ép lên giá dầu trong nước. Năm 2015 cũng là năm thứ 2 liên tiếp giá khí thiên nhiên sụt giảm mạnh, tương đương 19%. Đây là những yếu tố gây khó khăn cho công ty và buộc PGD phải điều chỉnh hạ chỉ tiêu kế hoạch.

Năm vừa qua, doanh thu thực hiện của PGD vẫn đạt trên 4.900 tỷ đồng, vượt 4,65% kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế đạt 238,24 tỷ đồng, cao hơn 112,38% so với kế hoạch. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PGD diễn biến khả quan với mức tăng 121,3% so với một năm trước. Thị giá PGD hiện ở mức 40.500 đồng/cp (đóng cửa phiên 7/4).

Trong khi đó, nhìn chung mặt bằng sản xuất kinh doanh ngành dầu khí trong nước năm 2015 khá ảm đạm. Hồi tháng 2, lãnh đạo Vietsovpetro cho biết, đối tác Nga đã yêu cầu giảm trên 2.000 nhân sự trong 5 năm tới. Trong hai năm vừa qua, Vietsovpetro đã cắt giảm 600 chức danh, năm 2015 là 400 và trước đó là 200 chức danh.

Một số doanh nghiệp khác như PV Drilling (mã PVD) - doanh nghiệp trực tiếp cung cấp giàn khoan và các dịch vụ liên quan - đã cắt giảm 22% chi phí nhân công trong năm 2015, xuống còn gần 3.000 tỷ đồng. Tại công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (mã PVC), chi phí nhân công cũng giảm còn bằng một nửa so với năm 2014, xuống mức 82 tỷ đồng.

Còn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì ước tính, giá dầu giảm 1 USD/thùng thì doanh thu của tập đoàn giảm 5.400 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1.500 tỷ đồng.

(Theo Dân Trí)