Mời độc giả theo dõi video:

Nằm sừng sững giữa núi rừng đại ngàn tại xã Hà Tây, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, nhà rông Kon Sơ Lăl không chỉ là mái nhà chung, mà còn là nơi chứa đựng văn hóa, linh hồn và tình đoàn kết của toàn bộ dân làng Ba Na.

Làng Kon So Lăl có gần 600 nhân khẩu dân tộc Ba Na, sinh sống trong các căn nhà sàn, nhà vách đất truyền thống bao bọc xung quanh nhà rông. Để hoàn thành công trình này, toàn bộ dân làng Kon So Lăl đã phải mất nhiều năm chuẩn bị nguyên vật liệu cùng với xây dựng. Đến năm 2017, ngôi nhà rông trùng với tên làng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ngôi nhà sừng sững với phần mái cao hơn 20m, rộng hơn 320m2, là một trong những ngôi nhà rông lớn nhất Tây Nguyên.

Ngôi nhà rông vẫn giữ nguyên kiểu dáng, kiến trúc của người Ba Na với nguyên liệu xây dựng hoàn toàn từ thiên nhiên như gỗ, tre, mái tranh, sợi mây... Nhà rông không có vỉ kèo, khung được buộc lại bằng mây, tre lạt. Mái được lợp dày đến 20cm, ốp vào nhau như hình lưỡi rìu khổng lồ. Trên trụ gỗ đầu cầu thang, mái được trang trí họa tiết cây rau dớn, hình mặt trời.

Hiện nay, số lượng nhà rông còn giữ được kiến trúc nguyên bản của người đồng bào dân tộc thiểu số là rất ít. Trước tình trạng nhà Rông đang dần bị bê tông hóa, nhiều địa phương ở Gia Lai đã chú trọng xây dựng, phục hồi nhà Rông truyền thống nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét văn hóa mang tính biểu tượng của buôn làng.

Để xây dựng một nhà Rông cần cả một quá trình nhiều năm mới hoàn thành và phải huy động tất cả người dân góp công sức. Điều này đã tạo nên sự kết nối cộng đồng sâu sắc trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên hiện nay, các nguyên vật liệu từ rừng để làm nhà Rông như gỗ, tranh khan hiếm nên việc nhà Rông bị bê tông hóa là không thể tránh khỏi. Trước thực trạng nhà Rông đang dần bị bê tông hóa, tôn hóa, tỉnh Gia Lai như một điểm sáng khi có nhiều nơi giữ gìn được rất nhiều ngôi nhà Rông truyền thống. Trong đó có nhà Rông làng Kon So Lăl, hay như ở huyện Kông Chro, những mái nhà Rông nơi đây vẫn vững chãi cùng năm tháng với bao thế hệ bà con buôn làng. Phần lớn các ngôi làng người Ba Na ở đây đều có nhà Rông truyền thống bằng gỗ có từ rất lâu, được giữ gìn nguyên vẹn hồn cốt cho đến ngày nay, thậm chí nhiều ngôi làng sở hữu từ 2 - 3 nhà Rông như xã Đak Tpang chỉ có 3 làng nhưng có đến 6 nhà Rông, xã Ya Ma có 7 nhà Rông.

Bên cạnh ý thức gìn giữ của bà con, chính quyền các cấp cũng đã quan tâm, tạo điều kiện để giúp người dân thực hiện công tác bảo tồn. Theo đó, các huyện đã quan tâm chỉ đạo các xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì tổ chức các lễ hội ở nhà Rông của làng; đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí khích lệ bà con tích cực sửa chữa, duy tu, bảo tồn nhà Rông truyền thống, gìn giữ kiến trúc độc đáo này cho con cháu đời sau.

Là một trong các nội dung, dự án thành phần thuộc Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, dự án khôi phục Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ được tỉnh Gia Lai triển khai xây dựng 6 mô hình, gồm 6 nhà rông truyền thống và 6 bến nước truyền thống; mỗi năm xây dựng 2 mô hình, bắt đầu từ năm 2023.

Theo đó, dự kiến xây dựng 3 mô hình Nhà rông - Bến nước ở các địa phương có dân tộc Ba Na sinh sống gồm huyện Chư Păh, Kbang, Kông Chro; 3 mô hình Nhà rông - Bến nước ở các địa phương có dân tộc Gia Rai sinh sống gồm huyện Đức Cơ, Ia Grai và Tp. Pleiku. Việc xây dựng Nhà rông - Bến nước sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương.

Mai Hương, Thạch Thảo, Mạnh Tuấn và nhóm PV, BTV