Mời quý độc giả theo dõi video:
Là tỉnh miền núi, biên giới với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong những năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa IX (Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng) về " Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành của tỉnh Kon Tum đã luôn chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xem đây là động lực để xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, các già làng, trưởng bản có vai trò, vị trí quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết.
Tại nhà ông A Dram (xã Ngọc Wang, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) bằng khen được treo kín. Từng được nhận Kỷ niệm chương vì sự phát triển các dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc trao tặng vì đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, ông A Dram là người có uy tín được bà con tại thôn, xã tín nhiệm, tin tưởng.
Suốt nhiều năm, ông không ngại khó khăn, vận động người dân tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua lao động sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo.
Ông cũng gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trồng để tăng diện tích cây trồng. Ông cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; giáo dục gia đình, người dân không vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Bên cạnh đó, ông A Dram cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn văn hoá truyền thống, tiên phong thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống, tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xoá bỏ các hủ tục không còn phù hợp.
Ông A Dram đã vận động tất cả hộ dân trong thôn cùng xây dựng đóng góp kinh phí mua một bộ cồng chiêng của thôn để sử dụng trong các dịp lễ, Tết. Vận động người dân, nhất là lớp trẻ duy trì học đánh cồng chiêng, để văn hoá truyền thống không bị mai một, vừa tạo sự gắn kết cho cộng đồng.
Tại tỉnh KonTum, người có uy tín được xem như “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước; là cầu nối để tuyên truyền, quán triệt để người dân không nghe, không tin kẻ xấu kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước.
Người có uy tín đã vận động người dân tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững; hưởng ứng các phong trào thi đua tại địa phương; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới tại cộng đồng dân cư.
Đội ngũ người có uy tín tại địa phương luôn chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội nổi cộm và đời sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số để phản ánh kịp thời đến chính quyền. Họ đã và đang cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chính quyền tại cơ sở và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.