- Hơn 14 năm trôi qua kể từ ngày Ngọc Lan giã từ cõi tạm nhưng chưa bao giờ tiếng hát cô thôi vang lên ở bất cứ nơi đâu.

Đi hát vì nhàn hơn bán hamburger

Ngọc Lan sinh ra vào năm 1956, trong một gia đình khá giả tại Nha Trang. Ngay từ tấm bé, Ngọc Lan đã nổi bật trong số bạn bè cùng trang lứa với khuôn mặt thiên thần phảng phất buồn cùng tính cách nhút nhát. 

Đến đầu những năm 1980, cô cùng gia đình sang Nam California sinh sống. Trong những ngày đầu ở đây, Ngọc Lan từng có ý định đi bán hamburger để kiếm tiền tiếp tục học nhưng nhờ gợi ý của một cô bạn người Việt mà cô đã thử đi hát ở quán café với mức cát xê vài chục USD một tuần. 

Tên thật là Lê Thanh Lan nhưng do trùng tên với “quả bom sex” đình đám thời đấy nên một người đã bày cho cô dùng nghệ danh Kim Lan. Sau đó, một chủ quán café nơi cô biểu diễn đã gợi ý cho cô cái tên Ngọc Lan và cô đã sử dụng tên này trong suốt sự nghiệp của mình.

{keywords}

Thời gian đầu đi hát, Ngọc Lan may mắn gặp được một chủ quán “sộp” chi trả 35 USD cho 3 ngày biểu diễn. Số tiền không nhiều nhưng vào lúc ấy cũng khiến cô thấy rất vui sướng. Sau khi hát 3 ngày liên tiếp, Ngọc Lan cảm thấy đuối sức do chưa quen với nhịp độ “chạy show” nên định nghỉ hát thì NS Trần Ngọc Sơn (con trai út NS Anh Bằng) gọi điện thoại cho cô. Vì ấn tượng với giọng hát và nhan sắc lôi cuốn của cô, ông đã mời Ngọc Lan về thu âm cho trung tâm Dạ Lan (tiền thân của trung tâm Asia hiện nay).

Đến năm 1985, NS Ngọc Chánh bất ngờ gọi cho Ngọc Lan và đề nghị cô hát cho phòng trà của ông. Nhạc sĩ này khẳng định Ngọc Lan có tố chất trở thành ca sĩ và không ngại trả cát sê cho cô 250 USD/tuần. Hát được khoảng 1 năm thì cô bắt đầu được các ông bầu để ý và mời show. Lúc này, cơ duyên âm nhạc mà Ngọc Lan vẫn gọi là “hiệp sĩ”, “sự tình cờ này nối tiếp sự tình cờ khác” đã đưa cô trở thành một ca sĩ thực thụ.

Thế nhưng khi cơ hội đã đến trước mắt, Ngọc Lan vẫn chần chừ vì không biết nên làm gì thì nhà thơ/nhạc sĩ Nguyên Sa động viên: “Cháu đã là ca sĩ chuyên nghiệp chứ có phải Amateur (nghiệp dư) đâu nên không thể tem nhem như vậy được. Sau này cháu có con, nhỡ con cháu hỏi mẹ từng đi hát mà con chẳng biết mẹ ai thì cháu xấu hổ như thế nào?”. Ngọc Lan nghe theo, lấy đó làm động lực phấn đấu và dần trở thành giọng ca ăn khách nhất hải ngoại lẫn trong nước.

{keywords}
Bức tranh vẽ Ngọc Lan của họa sĩ Kim Quân vào năm 2006.

Khó tính trong công việc

Không chỉ trùng tên, nhiều người còn cho rằng giọng hát và phong cách của Ngọc Lan cũng rất giống với “quả bom sex” nổi tiếng Thanh Lan. Vì thế nên khi chọn bài thu âm, các trung tâm cũng thường đưa nhạc Thanh Lan cho cô thể hiện. Nhưng dần dà Ngọc Lan lại cảm thấy không ổn. Cô tự hỏi tại sao mình phải giống người khác thay vì đi tìm cái hay riêng cho mình. Với tinh thần cầu tiến không ngừng, Ngọc Lan dần chinh phục hầu như mọi thể loại nhạc, ngay cả nhạc trẻ. Theo Ngọc Lan, bài đưa cô đến gần với khán giả nhất là ca khúc Mưa trên biển vắng. 

Các nghệ sĩ đương thời tiết lộ Ngọc Lan là một người cực kỳ khó tính trong công việc đến nỗi cả ekip đều “sợ” sự khó tính này. Cô luôn muốn sản phẩm của mình phải thật hoàn hảo. Một lần thu âm của Ngọc Lan thường rất lâu và nhiều lần mới xong bài. Có khi quay vất vả cả ngày nhưng khi về nhà xem lại thì cô thẳng tay vứt bỏ vì không ưng ý hoặc chỉ dùng đúng 5 giây. “Nhưng cũng nhờ vào thế mà khi hai cuốn video ra mắt thì không ai chê được điểm gì. Làm việc với Ngọc Lan luôn học hỏi được nhiều điều vì cô ấy chịu khó vô cùng. Vất vả, gian nan đến mấy cô ấy cũng chấp nhận miễn sao chất lượng sản phẩm thật hoàn hảo", NS Hoàng Trọng Thụy tâm đắc cho biết.

Đến với âm nhạc trong một cơ duyên thật tình cờ nhưng khi đã vào nghề Ngọc Lan thậm chí có thể sống chết vì nghề. Một lần sau khi biểu diễn xong, MC đã hỏi cắc cớ Ngọc Lan rằng cô sẽ làm gì nếu người yêu cấm cô đi hát? Sau một hồi chần chừ với đủ các giải pháp từ nài nỉ đến khóc lóc không thành công, Ngọc Lan quả quyết rằng nếu người yêu cấm cô đi hát thì cô sẽ chết. Câu trả lời vừa mềm mỏng vừa kiên quyết khiến khán giả khâm phục.

{keywords}
Hiếm có ca sĩ nào thanh sắc vẹn toàn như Ngọc Lan.

Tinh thần nghệ sĩ của Ngọc Lan mạnh mẽ ngay cả khi cô mắc trọng bệnh ở giai đoạn cuối đời. Lúc ấy dù tiều tụy, mệt mỏi hiện rõ nhưng chưa bao giờ Ngọc Lan thôi hoài bão, trăn trở với nghiệp. “Dù thế nào tôi vẫn cố gắng làm việc. Tôi muốn ra nhiều băng nhạc, làm cuốn video thứ 3 ” nhưng giấc mộng đó đã không thể trở thành hiện thực.

Giọng ca số 1 ở hải ngoại

Ngọc Lan tuy đoản mệnh nhưng sự nghiệp âm nhạc của nữ danh ca đồ sộ không kém bất cứ nghệ sĩ nào. Ngay từ những ngày còn đi hát nghiệp dư, NS Từ Công Phụng trong một lần tình cờ nghe cô trình diễn ở Portland, Oregon đã quay sang quả quyết với người bạn đi cùng: “Tôi cam đoan trong vòng 5 năm nữa, giọng hát này sẽ nổi tiếng như cồn”. Nhưng sự thật chưa đến 5 năm, giọng hát Ngọc Lan đã vang danh khắp hải ngoại.

Không phải ngẫu nhiên mà NS Trần Thiện Thanh cho rằng Ngọc Lan đã tạo ra trường phái của riêng mình. Nữ danh ca là người đi tiên phong rất nhiều thứ từ cách hát, nghệ thuật trình diễn đến sản phẩm. Trong thanh nhạc cổ điển, hát bạch thanh là lối hát sai kỹ thuật nhưng giọng soprano ấy đã vận dụng tinh tế lối hát ấy để đánh gục hàng triệu trái tim yêu nhạc. 

Ngọc Lan là thần tượng, là người truyền cảm hứng cho rất nhiều ca sĩ khác, trong đó có những ngôi sao hạng A như Don Hồ, Lâm Thúy Vân… Ngọc Lan cùng với Thái Thanh trở thành tượng đài của lối hát điệu, hát bạch thanh cho đến hôm nay.

(còn tiếp)

Gia Bảo