Sáng ngày 9/11, buổi Trao đổi Khoa học “Đo lường carbon rừng ngập mặn - cơ hội và thách thức - Trường hợp rừng ngập mặn Vĩnh Châu” được tổ chức tại trường Đại học Lâm nghiệp với sự tham dự của Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi cục kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, các địa phương có rừng ngập mặn ở khu vực phía Bắc, các nhà khoa học, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ rừng. 

1   ok.JPG
Các đại biểu, nhà khoa học cùng trao đổi về cơ hội và thách thức trong đo lường carbon rừng ngập mặn.

Trong khuôn khổ buổi trao đổi có chương trình tọa đàm nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu, thảo luận về cơ hội và thách thức trong đo lường carbon rừng ngập mặn, đặc biệt là ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng với mục tiêu nâng cao khả năng chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng ven biển.

Buổi Trao đổi Khoa học và Tọa đàm này do Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Viện sinh thái rừng và Môi trường (IFEE) - Trường Đại học Lâm nghiệp đồng tổ chức. Đây là một phần của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) của cộng đồng ven biển thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long – giai đoạn 1” được ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Bộ Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Cộng hòa Áo thông qua Tổ chức Bánh mỳ Thế giới (BfdW) đồng tài trợ; Quỹ AFV phối hợp với UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng triển khai trong 2 năm, từ tháng 11/2022 đến tháng 10/2024.

Phát biểu tại buổi trao đổi, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV cho biết: Sáng kiến “Giảm phát thải khí nhà kính từ việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+)” được cho là cách tiếp cận mới nhằm mang lại lợi ích tài chính từ việc lưu giữ carbon trong rừng. Do đó, carbon có thể được nhìn nhận như một loại tài sản mới của hệ sinh thái rừng và có giá trị tiềm năng vì tạo ra thị trường và nguồn thu mới từ việc giảm phát thải hoặc tăng cường hấp thụ carbon của rừng. Vì vậy, hoạt động thiết lập và thực hiện các phương pháp đo đếm carbon rừng nằm trong kết quả 1 của dự án được lên kế hoạch nhằm xây dựng phương pháp, quy trình, đo lường, lấy mẫu và theo dõi carbon rừng. Kết quả của hoạt động này sẽ là cơ sở để cộng đồng và các bên liên quan tại Vĩnh Châu thấy được giá trị đa dạng của rừng, trong đó giá trị kinh tế có thể thu được từ carbon rừng sẽ là động lực để cộng đồng trồng rừng, bảo vệ rừng.

Thông tin tại buổi trao đổi cho biết: Trong số 3 loài cây Bần, Mắm, Đước thì lượng tăng trưởng carbon bình quân hàng năm của Mắm là cao nhất với 8,06 tấn/ha trong khi đó Bần là 6,93 tấn/ha và Đước là 5,32 tấn/ha. Trung bình tăng trưởng toàn khu vực là 6,77 tấn/ha/năm (tương đương 24.8 tấn CO2/ha/năm) với giá trị kinh tế từ rừng có thể đem lại hàng năm là từ 5-10$/tấn CO2/ha (tương đương 124 - 248 $/ha/năm). Điều này mở ra cơ hội cho cộng đồng, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức nắm bắt thêm được giá trị bảo vệ môi trường của rừng ngập mặn.  

Với tính khoa học, chính xác và khả năng ứng dụng cao, phương pháp đo tăng trưởng carbon của nghiên cứu này đã được Cục Lâm nghiệp thẩm định và sử dụng để xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật điều tra, đo đếm carbon rừng ngập mặn theo Quyết định số 316/QĐ-LN-SXLN ngày 29/10/2024. Đây là lần đầu tiên, một hướng dẫn chuyên ngành trong lĩnh vực này được ban hành, áp dụng trên phạm vi toàn quốc. 

Trao đổi tại chương trình, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp - GS.TS Phạm Văn Điển khẳng định: “Qua nghiên cứu tại Vĩnh Châu, chúng tôi tin tưởng rằng các nhà khoa học lâm nghiệp Việt Nam cũng có thể xây dựng được công cụ kỹ thuật cao cho ngành mình, mở ra cơ hội làm chủ các thảo luận và chính sách về tài chính khí hậu cấp khu vực và toàn cầu”.

Chia sẻ về quá trình trực tiếp tham gia đo đếm carbon rừng, chị Lê Thị Nữ, thành viên tổ bảo vệ rừng ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho cho biết: “Lúc đầu chúng tôi e ngại hoạt động này rất khó, carbon rừng là điều gì đó rất mơ hồ. Tuy nhiên, sau 5 lần tham gia cùng với các chuyên gia của Viện sinh thái rừng và Môi trường và các cán bộ kiểm lâm Vĩnh Châu, bây giờ, chúng tôi đã thành thạo và có thể hướng dẫn cho các thành viên khác của tổ bảo vệ rừng cũng như cộng đồng về cách giám sát carbon rừng, đo lường được sinh trưởng của cây rừng”. 

“Chúng tôi hy vọng trao đổi khoa học ngày hôm nay sẽ làm rõ thêm tính thực tế của phương pháp đo sinh khối đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho phép áp dụng trong rừng ngập mặn toàn quốc, khả năng áp dụng phương pháp này ở các điều kiện tương tự và cơ hội hợp tác lâu dài giữa cộng đồng, nhà khoa học, cơ quan quản lý, các nhà tài trợ và doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Việt Anh nhấn mạnh. 

Cộng đồng có thể tự đo đếm sinh khối; Đưa ra hệ số quy đổi sinh khối tươi sang sinh khối khô; Bước đầu đưa ra hệ số nội suy sinh khối từ đường kính thân cây được đo ở độ cao ngang ngực (DBH); Bước đầu đánh giá được lượng tăng trưởng; Xác định được trữ lượng carbon rừng… Đây là những kết quả quan trọng mà hoạt động “Đo lường carbon rừng ngập mặn tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng”  đã đóng góp vào việc xây dựng vào nội dung hướng dẫn kỹ thuật điều tra, đo đếm carbon rừng ngập mặn mới được Cục Lâm nghiệp ban hành. 

Huệ Anh