TS Lê Hoàng Thế - Công ty TNHH hệ sinh thái The Vos, cho biết, thị trường tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch cho phép mua bán quyền phát thải khí nhà kính giữa các đơn vị kinh doanh, giữa các tổ chức, giữa các địa phương hoặc giữa các quốc gia.

Thị trường tín chỉ carbon chia làm hai loại, gồm: thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc. Trong đó, thị trường tự nguyện dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Còn thị trường bắt buộc dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương, bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch để đáp ứng các chính sách về môi trường xã hội.

Hiện tại, Việt Nam nằm trong danh sách quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. 

Ước tính riêng lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế. Nếu lạc quan tính cả “rừng vàng biển bạc” thì nước ta có khoảng 5 tỷ tín chỉ carbon, ông Thế thông tin.

Theo ông Thế, nước ta có địa hình trải dài, không những có trữ lượng lớn về tín chỉ carbon mà còn có thể phát triển loại tín chỉ carbon siêu cấp, gọi là organic carbon.

tin chi carbon.jpg
Lĩnh vực lâm nghiệp nước ta có thể bán 52 triệu tấn CO2. Ảnh minh hoạ

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đã đến lúc bài toán tăng trưởng không thể né tránh câu chuyện tín chỉ carbon. Thị trường tín chỉ carbon được thúc đẩy bởi các cam kết về khí hậu của doanh nghiệp, sự quan tâm của người tiêu dùng đối với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Vậy, tín chỉ carbon được bán với mức giá nào là hợp lý?

Cuối năm 2023, Việt Nam đã thu được khoản tiền đầu tiên từ bán tín chỉ carbon rừng khi chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới (WB) 10,3 triệu tấn CO2 với đơn giá 5 USD/tấn. Sau khi chuyển nhượng, nước ta thu về 51,5 triệu USD và số tiền này được chia cho các chủ rừng.

Thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon rừng. Tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng và triển khai Đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

Bộ NN-PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký ngày 31/10/2021. 

Dự kiến, nước ta sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2021-2025 với mức giá 10 USD/tín chỉ carbon.

TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho biết, giá carbon đang rất “nóng”, CODE đã đàm phán được mức 30 USD/tín chỉ nhưng cũng gặp khó về thủ tục nên chưa thể bán (đọc thêm)

Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ở Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam “rất phấn khởi” khi Việt Nam thu được 51,5 triệu USD từ chuyển nhượng tín chỉ carbon, nhưng đây là trong thị trường tự nguyện.

Ông cho rằng, nếu chúng ta không khẩn trương lập thị trường bắt buộc thì có thể sẽ rất thiệt thòi vì giá carbon trên thị trường tự nguyện hiện nay rất thấp, chỉ còn 10 USD/tín chỉ. Trong khi, ở thị trường bắt buộc có thể là 40, 50, 60 USD, thậm chí cơ chế JCM của EU có thể lên tới 110 USD/tín chỉ carbon.

Hiện nay, trên thế giới có gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành thuế carbon, mức thuế từ 1-137 USD/tấn CO2 (1 tấn CO2 bằng 1 tín chỉ carbon). Do đó, phát triển thị trường tín chỉ carbon càng sớm sẽ giúp nông dân có được lợi nhuận kép từ sản phẩm nông nghiệp và từ tín chỉ carbon.