Có lẽ, nói đến đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc, người ta thường nghĩ đến dân tộc Tày - Nùng. Được coi là người bản địa, người Tày - Nùng có trang phục truyền thống với gam màu trầm và giản dị, được làm từ vải bông nhuộm chàm, phụ nữ thường chít khăn mỏ quạ, mặc áo năm thân có thắt lưng, đeo vòng cổ, tay, chân bằng bạc và đi giày vải. 

Nhận thấy giá trị của kho tàng văn hóa phong phú, đồ sộ của các dân tộc thiểu số trong tỉnh, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, các địa phương vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng cao, vùng xa, vùng biên giới đã được khảo sát, đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế và đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh.

Trước nhất, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn một số loại hình văn hóa đang có nguy cơ bị thất truyền từ các điệu then, lượn, sli; các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, làm bàn ghế trúc, đan chiếu bằng nan,... đến nghệ thuật chế biến các món ăn dân tộc. Đặc biệt, ngành văn hóa - thông tin Lạng Sơn còn khôi phục các lễ hội truyền thống, các phong tục, tập quán lành mạnh, sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số,... Một số yếu tố văn hóa phi vật thể cũng được sưu tầm như: tập sách lễ hội dân gian Lạng Sơn, tổ chức sản xuất và in vào đĩa CD-ROM với nội dung hết sức đầy đủ, cụ thể về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Tiếp đó, tỉnh nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ để phát triển thành những khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh, thu hút được nhiều khách du lịch, hoạt động ổn định với sự tham gia trực tiếp của đồng bào các dân tộc và chính cộng đồng dân cư bản địa là người hưởng lợi như: Khu du lịch Mẫu Sơn, Khu du lịch sinh thái Bản Khiếng (huyện Lộc Bình); Khu du lịch sinh thái Đăng Mò, điểm du lịch cộng đồng Mông Ân (huyện Bình Gia); điểm du lịch cộng đồng Vũ Lăng, Bắc Quỳnh, điểm du lịch sinh thái Hang Hú, Suối Mỏ Mắm, Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn); Điểm du lịch cộng đồng Hữu Liên, Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng)...và các điểm du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số đã tạo việc làm, tạo ra thu nhập cho cộng đồng, cho ngân sách Nhà nước, là cầu nối giao lưu văn hoá cũng như giúp quảng bá về bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đó, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã từng bước phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tích cực, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển sản xuất và đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Tới đây, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp chính, tiếp tục đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó tập trung định hướng, quy hoạch phát triển du lịch, gắn du lịch sinh thái với du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp để tạo nên sản phẩm khác biệt; tăng cường vai trò phối hợp liên ngành nông nghiệp – du lịch trong quá trình triển khai các chương trình chung về phát triển du lịch bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời huy động nguồn lực đầu tư các dự án khu du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa vùng trung du miền núi Bắc Bộ, là một điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Văn Hùng, Hoài Thanh, Kiều Oanh, Diệu Bình