Thực hiện Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 117/KH - UBND, ngày 3/7/2019; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có Kế hoạch số 69/KH - SVHTTDL, ngày 6/8/2019  về việc thực hiện "Đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".

Mới đây, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Thực trạng, giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” nhằm mục tiêu tập hợp hệ thống tư liệu và nghiên cứu, đánh giá giá trị, thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phan Văn Hòa, Lạng Sơn là nơi hội tụ, sinh tồn của nhiều dân tộc anh em như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông... Mỗi dân tộc đều có những đặc điểm tiêu biểu về địa hình cư trú, đời sống kinh tế, phong tục tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần độc đáo. Cùng với sự giao lưu, tiếp biến, hội nhập văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tất cả đã tạo nên một Lạng Sơn - một Xứ Lạng vừa đa dạng, thống nhất vừa có những nét đặc trưng, bản sắc riêng trong không gian văn hóa vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Đặc trưng, bản sắc văn hóa ấy không chỉ được thể hiện ở các hoạt động, sinh hoạt và sáng tạo văn hóa, mà còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống vật chất và tinh thần của con người. Có thể nói, trong văn hóa dân tộc, trang phục là phương tiện mà ở đó bản sắc dân tộc được biểu hiện một cách rõ rệt, thường xuyên và tiêu biểu nhất. Trang phục là sản phẩm chứa đựng những giá trị tổng hợp, là thành tố văn hóa đặc biệt của mỗi một cộng đồng dân tộc; là tri thức dân gian quý báu, phản ánh quá trình sáng tạo, óc thẩm mỹ của một cộng đồng dân tộc được đúc kết và lưu truyền từ đời này sang đời khác để phục vụ cuộc sống hàng ngày bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đồng thời, đây còn là sản phẩm vật chất, tinh thần chứa đựng tinh hoa, hồn cốt văn hóa, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học nghệ thuật, được hình thành trên cơ sở kết hợp hài hòa các yếu tố tự nhiên, bản địa với bàn tay khéo léo của con người với nét độc đáo, thể hiện bản sắc riêng, in đậm dấu ấn truyền thống văn hóa và phong tục của mỗi vùng miền, dân tộc.

Từ xưa đến nay, trang phục truyền thống vẫn được cộng đồng các dân tộc sử dụng trong lao động, đời sống sinh hoạt và phục vụ hoạt động văn hóa tâm linh, đặc biệt là trong các ngày lễ, ngày tết, các sự kiện văn hóa, chính trị trọng đại của quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ. Một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng trang phục phổ thông, đặc biệt là ở lớp trẻ. Đặc biệt hiện nay, các làng nghề dệt thổ cẩm còn rất ít, các nghệ nhân biết dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một; trang phục truyền thống bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng, khó phân biệt được trang phục của dân tộc nào…

Bởi vậy, tỉnh Lạng Sơn hy vọng, Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” sẽ góp bàn để chỉ ra những nét đặc trưng, tiêu biểu trong trang phục truyền thống của từng dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; những biến đổi, nguyên nhân biến đổi trang phục và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng; tồn tại, hạn chế và những vấn đề nổi cộm, cấp bách trong việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.

Tỉnh Lạng Sơn cũng mong muốn thông qua các thảo luận, đóng góp ý kiến để tìm ra phương hướng, giải pháp, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ tại địa phương ở hiện tại và tương lai.

Duy Linh, Đình Thành, Đỗ Khôi, Diệu Bình, Kiều Oanh