Giá vàng lao dốc
Đêm 13/2 và rạng sáng 14/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế bất ngờ rơi thẳng đứng từ mức 2.030 USD/ounce xuống ngưỡng 1.990 USD/ounce - mức giảm rất sâu theo ngày trong nhiều tháng qua.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ giữa tháng 12/2023, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế rơi xuống ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Trước đó, kể từ đầu tháng 10/2023, giới đầu tư đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào mặt hàng kim loại quý với niềm tin kinh tế Mỹ có thể hồi phục, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt nhất 22 năm sang nới lỏng.
Với một chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ nhiệt khi lạm phát của nước Mỹ đang dần đi xuống từ đỉnh cao 40 năm, ghi nhận ở mức 9,1% hồi tháng 6/2022. Tới tháng 12/2023, lạm phát Mỹ còn ở mức 3,1%.
Giới đầu tư đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc giá cả hàng hóa và dịch vụ tại Mỹ sẽ tiếp tục đi xuống và sớm về mức mục tiêu 2% như ngân hàng trung ương nước này đặt ra.
Vàng cũng được kỳ vọng tăng giá lên mức kỷ lục mới trong năm 2024 trong bối cảnh bất ổn địa chính trị chưa có tín hiệu thuyên giảm ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có tại Ukraine và Trung Đông.
Tuy nhiên, số liệu lạm phát tháng 1/2024 của Mỹ được công bố hôm 13/2 khiến nhiều người bất ngờ. Giá cả hàng hóa dịch vụ tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến và có thể dẫn tới việc Fed trì hoãn việc giảm lãi suất lâu hơn.
Cụ thể, theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 1 tăng 0,3%, cao hơn so với mức 0,2% của tháng 12/2023. Tỷ lệ lạm phát giảm từ mức 3,4% ghi nhận trong tháng 12/2023 xuống còn 3,1% trong tháng đầu năm 2024. Cả hai chỉ số đều vượt dự đoán tương ứng 0,2% và 2,9% của các nhà kinh tế do Dow Jones và Phố Wall khảo sát.
Như vậy, diến biến giá cả không như mong đợi. Trong khi đó, các quan chức Fed gần đây rất thận trọng về quyết định đảo chiều chính sách tiền tệ, từ thắt chặt sang nới lỏng. Hầu hết đều tỏ ra thận trọng và tập trung vào các dữ liệu quan trọng để ra quyết định.
Giới chức Fed vẫn đặt kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trở lại mục tiêu hàng năm 2% với niềm tin rằng giá nhà ở sẽ giảm tốc trong năm nay. Cho dù gần đây, có nhiều đánh giá cho rằng, CPI của Mỹ ngày nay sẽ khó trở về mức mục tiêu đó. Thế giới đã có nhiều thay đổi, vị thế nước Mỹ và đồng USD trên trường quốc tế cũng như quan hệ kinh tế quốc tế đã khác nhiều.
Vàng, chứng khoán lao dốc, USD và lợi tức trái phiếu tăng mạnh
Ngay sau khi Mỹ công bố chỉ số lạm phát cao hơn so với kỳ vọng, đồng USD đã tăng vọt.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - quay đầu tăng từ mức 103,5 điểm trước đó lên 104,8 điểm. Đây là mức cao nhất trong 3 tháng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 10 điểm cơ bản, lên 4,27%; trong khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng hơn 13 điểm, lên trên 4,6%.
Một đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu cao hơn đã khiến giá vàng lao dốc. Tới 19h20 ngày 14/2, giá vàng thế giới giao ngay xuống mức 1.992 USD/ounce. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 59,6 triệu đồng/lượng, đã gồm thuế và phí. Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn treo ở mức cao trước kỳ nghỉ Tết. Vàng miếng SJC bán ra ở mức 78,9 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 19,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Trên MarketWatch, chuyên gia Bryce Doty đến từ Sit Investment Associates cho rằng, với số liệu mới về CPI, thị trường không nên mong việc hạ lãi suất cho đến nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, Skyler Weinand đến từ quỹ Regan Capital, nhận định, với diễn biến mới, Fed có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất đến tháng 5 hoặc tháng 6.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng chao đảo sau số liệu lạm phát. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 500 điểm (tương đương giảm gần 1,4%) xuống còn 38.273 điểm. Có lúc trong phiên, chỉ số này giảm gần 2%. Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 giảm 1,4%, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 1,8%.
Mặc dù lạm phát cao hơn kỳ vọng, qua đó khiến đồng USD tăng mạnh trở lại và gây áp lực lớn lên vàng, tuy nhiên triển vọng mặt hàng kim loại quý vẫn được đánh giá tươi sáng trong năm 2024. Giá vàng thế giới có thể lập đỉnh cao mới ngay khi Fed đảo chiều chính sách tiền tệ.
Một tín hiệu khác cũng cho thấy vàng được hỗ trợ trong năm 2024 là yếu tố giá dầu. Giá dầu trong phiên 14/2 vẫn tăng khoảng 1,2%, lên mức gần 77,9 USD/thùng (dầu WTI) do được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Tuần trước, giá dầu thô tăng 6%.
Gần đây có thông tin, Mỹ bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Còn tại Trung Đông, các cuộc đàm phán liên quan đến Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã kết thúc mà không có đột phá. Lực lượng Houthi tiếp tục các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, nhắm tới các tàu có quan hệ thương mại với Mỹ, Anh và Israel.
Một điểm cũng đáng lưu ý, nền kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều rủi ro, nguy cơ đi xuống vẫn hiện hữu... Trên Business Insider, một số nhà kinh tế học cho rằng, nền kinh tế Mỹ có thể vẫn chưa “ngấm” hết tác động từ các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed thời gian qua. Bên cạnh đó là lạm phát dai dẳng, nợ công tăng cao và tiêu dùng suy giảm... là những yếu tố đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, từ đó tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
Điều này đồng nghĩa với việc, Fed có thể sớm phải hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Giá vàng theo đó sẽ đi lên. Nhiều dự báo, giá vàng thế giới sẽ đạt mức 2.200 USD/ounce trong năm 2024.
Tính tới 12h trưa 14/2, chỉ báo từ thị trường theo tín hiệu từ công cụ CME Fedwatch cho thấy, có 8,5% khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 3; khả năng này trong cuộc họp tháng 5 là 37,5%. Các con số đó thấp hơn so với mức 15,5% và 53,8% ghi nhận đêm 13/2. Dù vậy, khả năng hạ lãi suất trong tháng 6 là trên 50%.