Giá vàng thế giới khởi sắc trong chốc lát sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất không đổi, rồi quay đầu giảm. Trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang tiếp tục tổ chức các cuộc đấu thầu vàng miếng SJC để tăng cung.
Vậy, giá vàng trong nước và thế giới sắp tới sẽ biến động ra sao?
Giá vàng sắp về dưới 80 triệu đồng/lượng?
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định, giá vàng thế giới sẽ có xu hướng suy giảm bởi Fed khẳng định hiện lạm phát mong muốn chưa đạt được kỳ vọng, dữ liệu kinh tế Mỹ đang rất tốt… nên Fed chưa nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất. Điều này khiến giá vàng khó tăng, khả năng suy giảm về mốc 2.200 USD/ounce.
“Trong ngắn hạn, giá vàng sẽ suy giảm. Về dài hạn, sau khi về 2.200 USD/ounce, giá vàng sẽ tăng mạnh trở lại vì chắc chắn trong năm nay Fed vẫn phải cắt giảm lãi suất. Từ tháng 9, tháng 10, giá vàng sẽ tăng mạnh, có thể vượt mốc đỉnh cũ, tiến lên 2.500 USD/ounce”, ông Phương dự đoán.
Từ đó, vị chuyên gia cho rằng, giá vàng trong nước cũng sẽ suy giảm trong ngắn hạn, kể cả vàng nhẫn 9999 và SJC.
Lý do, theo ông Phương, NHNN đang tích cực cung nguồn vàng SJC ra thị trường, nếu triển khai đấu thầu liên tục, lượng vàng cung ra thị trường cơ bản giải quyết được vấn đề khan hiếm, chênh lệch giá vàng sẽ về mức hợp lý hơn. Còn vàng nhẫn 9999 sẽ suy giảm theo đà giảm của giá vàng thế giới.
“Tháng 5, 6, 7 là thời điểm giá vàng thế giới suy giảm, vàng trong nước suy giảm theo. Vàng SJC đang phụ thuộc vào lực cung - cầu, một lượng vàng nhất định thông qua đấu thầu thành công sẽ tác động tới thị trường. Trong khi giá vàng thế giới đang trên đà suy giảm, sẽ tác động đến tâm lý của người nắm giữ vàng, cảm thấy e ngại.
Khi giá vàng thế giới giảm về mốc 2.200 USD/ounce, tức giảm khoảng 100 USD so với mức giá hiện tại, thì giá vàng nhẫn sẽ giảm về ngưỡng 71 triệu đồng/lượng; còn vàng SJC sẽ giảm xuống dưới mức 80 triệu đồng/lượng”, ông Phương nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, giá vàng thế giới thường được tính bằng USD; vì thế khi giá USD lên, giá vàng thường xuống. Thế nhưng, thời gian gần đây, điều này không còn tồn tại như một quy luật nữa. Nhiều khi giá USD lên, chỉ số DXY tăng nhưng giá vàng vẫn lên.
Theo ông Thịnh, điều này có nghĩa, ngoài tác động giữa đồng USD với lãi suất vào giá vàng, vẫn còn những yếu tố khác, trong đó đặc biệt là kỳ vọng của các nhà đầu tư.
“Trong một số lần hạ lãi suất điều hành, thường thường các nhà đầu tư đều kỳ vọng vàng tăng giá. Mức kỳ vọng của các nhà đầu tư làm tăng giá vàng ít nhất là 15%, mức cao khoảng 33%”, ông Thịnh cho hay.
Theo vị chuyên gia, Fed tuyên bố chưa hạ lãi suất, đáng lẽ giá USD vẫn giữ giá và đi lên thì giá vàng phải xuống. Thế nhưng, giá vàng vẫn cứ lên sau đó mới xuống.
“Giá vàng thời gian tới biến động khó lường. Hoàn toàn có thể rơi về vùng 2.050-2.100 USD/ounce; nhưng cũng rất có thể lên mức 2.400-2.500 USD/ounce. Khoảng biến thiên rộng như vậy đang làm cho dự báo giá vàng cực khó khăn. Chủ yếu do kỳ vọng của các nhà đầu tư là chính, chứ không phải do sản xuất tăng trưởng, việc làm được giải quyết, lạm phát cao hay thấp quá…”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.
Ông cho biết thêm, giá vàng trong nước hiện đi sát giá vàng thế giới, nhưng có khoảng cách nhất định. Trước đây, khi giá vàng ổn định, giá vàng 9999 chỉ cách giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng và SJC cũng chỉ cách giá vàng 9999 chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng.
Thế nhưng, do giá vàng thế giới tăng, hoạt động đầu tư vào các kênh chứng khoán, bất động sản đều khó, tiền gửi ngân hàng lãi suất thấp; trong khi sức ép tỷ giá lớn, giá vàng tăng khiến nhiều người đi mua vàng, tích trữ vàng để đảm bảo an toàn tài sản.
Vì thế, cầu tăng do những người có tiền càng lo lắng, càng đổ tiền vào vàng, khiến giá vàng tăng cao. Khi giá vàng tăng cao, một số người lại chuyển sang mua USD để giữ an toàn, làm cho tỷ giá USD tăng.
“Với việc NHNN can thiệp thị trường bằng tăng cung vàng miếng SJC, giá SJC sẽ có xu hướng ngày càng gần hơn với vàng nhẫn 9999. Vàng nhẫn 9999 cũng sẽ giảm áp lực và sẽ có mức giá gần hơn với giá vàng thế giới.
Khi giá vàng thế giới nếu giảm về mốc 2.200 USD/ounce, giá vàng nhẫn 9999 trong nước sẽ về mốc 70-71 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC cũng sẽ giảm về mức tương ứng”, ông Thịnh dự báo.
Có nên đầu tư vàng thời điểm này?
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương lưu ý, giá vàng thế giới bước vào chu kỳ suy giảm, vì thế giá vàng trong nước cũng suy giảm theo. Do vậy, các nhà đầu tư không nên tham gia đầu tư vào thời điểm này.
“Nhà đầu tư có thể chờ khi giá vàng thế giới về mức 2.200 USD/ounce và vàng trong nước co hẹp lại chênh lệch với giá thế giới mới nên xem xét tham gia thị trường vàng.
Còn thời điểm hiện tại khá rủi ro, nếu nhà đầu tư tham gia cũng sẽ không có tỷ suất sinh lợi cao”, ông Phương nêu quan điểm.
Theo vị chuyên gia, thông thường các tháng hè như tháng 5, 6 hàng năm là thời điểm lực mua vàng yếu nhất trong năm. Vì thế, sẽ có sự sụt giảm giá vàng nhẫn, vàng nữ trang; còn vàng SJC khi NHNN đấu thầu, tăng cung ra thị trường, chắc chắn giá sẽ suy giảm.
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo, với nhà đầu tư có khẩu vị chấp nhận rủi ro cao, vẫn tham gia đầu tư thì có thể có lãi lớn; nhưng cũng có thể dẫn đến khả năng mất vốn.