Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (15/4) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 11/4 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 bán ra 23.170 đồng/lít. Xăng RON 95 giá bán là 24.240 đồng/lít. Giá dầu diesel không cao hơn 20.140 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 19.730 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 3/4 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.240 | +1.120 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.170 | +1.090 |
Dầu diesel | 20.140 | +710 |
Dầu hỏa | 19.730 | +700 |
Giá xăng dầu hôm nay (15/4) trên thị trường thế giới đảo chiều đi lên sau khi giảm nhẹ vào phiên hôm trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 11h hôm nay (ngày 15/4, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 86,31 USD/thùng, tăng 0,22 USD, tương đương 0,26% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 82,52 USD/thùng, tăng 0,36 USD, tương đương 0,44% so với phiên liền trước.
Hôm qua, giá dầu thế giới quay đầu giảm nhẹ sau khi tăng vào 2 phiên trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 6h30' hôm qua (ngày 14/4, giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86,09 USD/thùng, giá dầu WTI được giao dịch mức 82,33 USD/thùng.
Đến cuối phiên, giá dầu tăng nhẹ. Lúc 20h31' ngày 14/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 86,27 USD/thùng, tăng 0,18 USD, tương đương 0,21% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 82,44 USD/thùng, tăng 0,27 USD, tương đương 0,33% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu thế giới tăng do lo ngại nguồn cung thắt chặt.
Ngân hàng ANZ cho hay, xuất khẩu dầu của Nga đang có dấu hiệu sụt giảm do sản lượng đã giảm 700.000 thùng mỗi ngày.
Cùng với đó, lượng dầu tồn kho tại nhiều nước trên thế giới sụt giảm trong thời gian gần đây cộng với tình trạng gián đoạn nguồn cung gần 500.000 thùng/ngày từ miền Bắc Iraq có thể đẩy giá dầu tăng cao.
Mới đây, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã đưa ra dự báo sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong năm nay.
Giá dầu thế giới gần đây tăng cao sau số liệu mới về lạm phát tại Mỹ được công bố. Trước đó, việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất ngờ thông báo cắt giảm thêm sản lượng từ tháng 5 cũng khiến giá dầu tăng vọt.
Trong khi đó, nhu cầu đang tăng trở lại ở nhiều nước đã thúc đẩy đà tăng của giá dầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày.
Chỉ số CPI tháng 3 của Trung Quốc thấp hơn dự kiến. Nhiều người dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ ban hành một loạt chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế, từ đó thúc đẩy đà tăng của giá dầu.
Thêm nữa, nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh ở Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, trong tháng 3 vừa qua cũng hỗ trợ giá dầu.
Bên cạnh đó, đồng bạc xanh suy yếu khiến dầu mỏ được định giá bằng đồng USD rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm đẩy mạnh nhu cầu.
Giới phân tích cho hay, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể chứng kiến tình trạng khan hiếm nguồn cung vào nửa cuối năm nay. Điều này sẽ đẩy giá dầu tăng cao. Nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu có thể tăng ở mức 90-100 USD/thùng trong các quý tới.