Giá xăng dầu trong nước hôm nay 22/7/2024

Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 22/7 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 18/7.

Theo đó, giá các loại xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo hướng giảm.

Cụ thể, giá xăng E5 được điều chỉnh hạ xuống 22.170 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm còn 23.170 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel hạ về mức 20.500 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa giảm về 20.660 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 18/7 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 23.170 - 120
Xăng E5 RON 92-II 22.170 - 110
Dầu diesel 20.500 - 330
Dầu hỏa 20.660 - 370

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 22/7/2024 

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 22/7 quay đầu đi lên sau khi giảm vào tuần trước.

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, vào lúc 8h48' ngày 22/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 82,93 USD/thùng, tăng 0,36% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 80,49 USD/thùng, tăng 0,45% so với phiên liền trước.

gia xang dau 1 1575 1575 1305 3682 4104.jpg
Giá xăng dầu đi lên. Ảnh: Oilprice

Giá dầu thế giới tuần qua ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc, tồn kho dầu của Mỹ và tình hình địa chính trị ở Trung Đông là những yếu tố chính tác động đến giá dầu tuần qua.

Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần qua, giá dầu giảm nhẹ. Giá dầu đi xuống khi giới đầu tư lo ngại về nhu cầu yếu của Trung Quốc. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay, trong quý II năm nay, GDP của nước này tăng 4,7%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I/2023.

Giá dầu tiếp tục giảm hơn 1% ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần qua. Lo ngại nền kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu tiếp tục khiến giá dầu lao dốc. Hạn chế mức giảm của giá dầu trong phiên này là báo cáo tồn kho dầu của Viện Dầu khí Mỹ (API) giảm và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch thứ ba của tuần, giá dầu đảo chiều tăng khoảng 2%. Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu của Mỹ thực tế giảm 4,9 triệu thùng, cao hơn so với dữ liệu từ API cùng với việc đồng USD chạm mức thấp nhất trong 17 tuần là 2 nhân tố chính hỗ trợ giá dầu quay đầu tăng tốc.

Nhưng đà tăng của giá dầu đã không thể tiếp nối ở phiên giao dịch thứ 4. Giá dầu Brent và giá dầu WTI diễn biến trái chiều trong biên độ hẹp ở phiên này khi các nhà đầu tư phản ứng trước những tín hiệu trái ngược về nhu cầu dầu. Trong đó, những lo ngại về kinh tế sụt giảm tại Mỹ đang mâu thuẫn với kỳ vọng ngày càng tăng rằng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Giá dầu lao dốc ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua. Khả năng sẽ có một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và sự mạnh lên của đồng USD đã làm giá dầu giảm khoảng 3% ở phiên này. Cả hai loại dầu chuẩn đều chốt phiên cuối tuần qua ở mức thấp nhất kể từ ngày 14/6.

Như vậy, với 3 phiên giảm, 1 phiên tăng và 1 phiên trái chiều, giá dầu tuần qua ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Tính chung trong tuần qua, giá dầu Brent giảm 2,8%, còn giá dầu WTI hạ 3,3%.

Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được chốt ở mức 80,13 USD/thùng, giá dầu WTI kết tuần ở mức 82,63 USD/thùng.