Giá dầu thế giới mở đầu tuần mới tăng sau chuỗi ngày giảm giá mạnh. Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 8h03' hôm nay (3/10, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12 giao dịch ở mức 87,32 USD/thùng, tăng 2,18 USD, tương đương 2,56% so với hôm qua. Cùng thời điểm, giá dầu WTI giao tháng 11 được giao dịch ở mức 81,53 USD/thùng, tăng 2,04 USD, tương đương 2,57% so với hôm qua.
Trong tuần 26/9-2/10, giá dầu thế giới tăng nhẹ. Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, kết tuần giao dịch vừa qua, giá dầu WTI tăng 0,95% lên 79,49 USD/thùng, trong khi giá Brent tăng 0,13% lên 85,14 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu chấm dứt chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp. Hỗ trợ cho giá dầu tăng trở lại trong tuần vừa qua là thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
Tính từ vùng đỉnh tháng 6, giá dầu đã giảm hơn 30%, trong khi ngân sách của các thành viên OPEC+ phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Các nhà phân tích của Công ty PVM nhận định, OPEC+ có động lực để duy trì giá dầu ở mức 90 USD/thùng.
Theo thông tin mới nhất, OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng trên mức 1 triệu thùng/ngày, đặc biệt Saudi Arabia có thể cân nhắc tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu. Nếu được thông qua, đây sẽ là mức cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ tháng 5/2020, khi OPEC+ quyết định hành động để hỗ trợ giá dầu trong giai đoạn Covid-19.
Trong khi đó, sẽ khó để các quốc gia khác tăng sản lượng bù vào. Theo dữ liệu của Công ty Dịch vụ Baker Hughes, trong tuần vừa rồi, số giàn khoan dầu của Mỹ chỉ tăng 2 chiếc lên 604.
Đây sẽ là thông tin quan trọng nhất quyết định hướng đi của giá dầu trong tuần này, đặc biệt khi cuộc họp của OPEC+ sẽ được tổ chức với sự tham gia trực tiếp của các thành viên lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, thay vì các cuộc họp trực tuyến.
Tuy vậy, thị trường dầu vẫn ghi nhận mức giảm trong quý đầu tiên kể từ năm 2020. Rủi ro lớn nhất bao trùm tâm lý thị trường là lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, khi các ngân hàng trung ương như Fed hay Ngân hàng Trung ương Anh BoE cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất để khống chế lạm phát. Lãi suất cao làm gia tăng chi phí cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng, trong khi vấn đề về nguồn cung chưa thực sự được giải quyết.
Theo nghiên cứu của Công ty Ned Davis ResearcH, 98,1% khả năng suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra. Việc chỉ số US Dollar Index (DXY) duy trì quanh vùng đỉnh 20 năm cũng khiến cho giá dầu liên tục gặp sức ép lớn, do đồng bạc xanh tăng mạnh khiến cho dầu trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Tại thị trường trong nước, hôm nay (3/10) sẽ là kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu tiếp theo. Nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng được dự báo giảm từ 720-1.120 đồng/lít, còn giá dầu diesel sẽ giảm khoảng 200 đồng/lít. Trường hợp cơ quan quản lý tăng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá các mặt hàng xăng dầu có thể giảm ít hơn.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 11 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Trong kỳ điều hành hôm nay, nếu đúng như dự báo, giá xăng sẽ có lần thứ 4 giảm mạnh liên tiếp, giá xăng RON 95 có thể về mức hơn 20.000 đồng/lít.