- "Hội nhập gì tưởng để rẻ hơn, nhưng mà cuối cùng, hội nhập rồi, giá không hề rẻ đi, không thấp đi mà còn cao hơn", Chủ tịch Hiệp hội vận tải Tp Hà Nội nói ngay sau khi giá xăng tăng mạnh với Góc nhìn thẳng.
Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng |
Giá xăng dầu ở Việt Nam đã có thêm một đợt điều chỉnh tăng mới. Với mức hơn 16.000 đồng/lít, giá xăng hiện nay đang ngang với mức giá của năm 2010, thấp hơn mức giá năm 2011-2012. Tuy nhiên, với người tiêu dùng, đây vẫn là một mức giá không hề rẻ khi cơ cấu thuế phí chiếm tới 50%.
Vì sao lại có nghịch lý này và cần phải làm gì để thị trường xăng dầu có sự công bằng cho người tiêu dùng nhưng đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và doanh nghiệp?
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội ngay sau khi thị trường xăng dầu có đợt tăng giá mới.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, trong một lít xăng, dầu hiện nay gánh tới 50% thuế phí và mới đây, với việc điều chỉnh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ cấu thuế phí còn chiếm tỷ trọng cao hơn, chi phí đội thêm mỗi lít xăng khoảng 200 đồng/lít. Ông cảm thấy thế nào về tính hợp lý của cơ cấu thuế phí trong mặt hàng xăng dầu Việt Nam?
Ông Bùi Danh Liên: Về phía các đơn vị vận tải, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy tỷ lệ thuế, phí trong giá xăng dầu cao như thế. Chúng tôi thấy rằng, thuế, phí là một nguồn thu của Nhà nước nhưng tôi cho rằng, nếu chọn xăng dầu là một nguồn thu đầy đủ, bù đắp cho ngân sách Nhà nước thì thật không hợp lý.
Nếu như, Nhà nước có thể đánh thuế cao vào những mặt hàng không thiết thực trong đời sống như mỹ phẩm, các loại ô tô, đặc biệt là ô tô "xịn" (xe sáng), hay rượu bia chẳng hạn thì khác. Nhưng thuế, phí xăng dầu thì khác, nó tác động tới đời sống từ nông thôn đến thành thị, tác động đến toàn xã hội.
Tôi nghĩ rằng, cơ quan Nhà nước cần cẩn trọng xem xét lại các mức thuế phí xăng dầu, cần nghiên cứu kỹ hơn các mặt tác động, nhất là tác động tiêu cực của việc nâng phí, thuế xăng dầu lên.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông nghĩ sao khi gần đây, có nhiều thông tin cho thấy, giá xăng ở Mỹ luôn thấp hơn ở Việt Nam? Đầu năm, giá xăng của Mỹ chỉ 2.800 đồng/lít. Cập nhật mới nhất, giá xăng trung bình ở Mỹ khoảng 13.000 đồng/lít, trong khi giá xăng ở Việt Nam hơn 16.000 đồng/lít.
Ông Bùi Danh Liên: Điều đó không bất ngờ, vì nước Mỹ sản xuất ra xăng dầu và họ lọc được xăng dầu. Còn chúng ta, hầu hết là chỉ sản xuất dầu thô, bán đi nơi khác rồi lại nhập về. Rõ ràng, giá xăng dầu ở Mỹ rẻ hơn ở Việt Nam là điều chính đáng.
Nhưng chỉ có điều, Việt Nam mua về đã đắt rồi, ta lại tống vào đó rất nhiều loại thuế, phí làm cho nó cao lên thì tôi cho, nó là điều chưa phù hợp.
Giá xăng ở VN gánh quá nhiều thuế phí (ảnh: theo Petrolimex) |
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, và kể cả khi chúng ta có nhà máy lọc dầu thì chúng ta lại phải bù lỗ nữa! Thưa ông, xin hỏi ông thêm một câu, từ năm 2015 và đặt biệt là năm nay, 2016, với việc hạ hàng rào thuế quan trong các cam kết hội nhập ASEAN hay với Hàn Quốc, Trung Quốc, thuế nhập khẩu xăng dầu đã giảm rất thấp. Nhưng bù lại, chúng ta lại tăng thuế nội địa như thuế bảo vệ môi trường hay gần đầy là tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo ông, phải làm gì để người dân, DN thực sự được hưởng một mức giá xăng dầu hợp lý, rẻ, phù hợp với nhu cầu?
Ông Bùi Danh Liên: Chúng ta phải có giải pháp làm thế nào để kiềm chế giá xăng dầu. Bây giờ hội nhập, mọi người dân, doanh nghiệp đang hi vọng là giá cả thị trường sẽ hạ xuống. Nhưng bây giờ, giá cả thị trường lại đội lên, đặc biệt là giá xăng dầu tác động đến thị trường rất lớn. Cho nên, có lẽ, thông tin này làm cho chúng tôi cảm thấy, nói một cách nặng nề là rất thất vọng.
Chúng tôi thất vọng về việc là, Nhà nước luôn tuyên truyền là hội nhập, ta được hưởng giá cả nhập khẩu rẻ nhưng giờ, ta lại làm thuế nội địa cao lên để cân bằng. Như vậy thì không phù hợp. Lòng tin của người dân vào hội nhập sẽ giảm đi.
Hội nhập gì tưởng để rẻ hơn, nhưng mà cuối cùng, hội nhập rồi, giá không hề rẻ đi, không thấp đi mà còn cao hơn.
Chúng tôi nghĩ rằng, các nhà quản lý cần nghiêm túc xem xét lại.
Nhà báo Phạm Huyền: Là đại diện cho các doanh nghiệp vận tải, ông cảm thấy thế nào về sức chịu đựng của cộng đồng doanh nghiệp trong một môi trường kinh doanh đanh gánh thuế phí, giá xăng dầu tăng cao, phí BOT cũng cao?
Ông Bùi Danh Liên: Việc kinh doanh thì vẫn phải tồn tại và phát triển nhưng nó đang phát triển không đành hoàng. Nó phải tìm cách để tồn tại, ví dụ như họ chạy xe vòng vo để bắt khách dọc đường, họ cải tạo thùng xe để chở hành lý, để bù vào các khoản thuế phí tăng lên đó. Nói cách khác, ngành vận tải phải oằn lưng để chịu đựng.
Tôi thấy rất buồn cười. Vừa rồi, Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo giảm giá cước vận tải. Nói thì cứ nói, nhưng làm thì không làm được đâu. Vì anh không có cách gì để giảm giá cước vận tải nếu như thuế phí, giá xăng dầu, phí BOT không giảm.
Chúng tôi thấy rằng, nói thì cứ nói vui thế thôi, chứ còn thực hiện không được đâu. Nếu có giảm cái này thì họ sẽ lại tăng cái khác để bù lại.
Xin cảm ơn ông!
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền- Diệu Bình
Clip: Đức Yên, Xuân Quý, Thúy Hồng, Bạt Tuấn
Tin bài khác: