Hướng tới hệ sinh thái chuyển đổi số cảng biển
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số cảng biển tại Việt Nam, 10 năm qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Tin học CEH đã góp phần giải quyết nhiều “bài toán” lớn của logistics quốc gia.
Chuyển đổi số cảng biển trước hết là chuyển đổi toàn bộ hoạt động của một cảng lên môi trường số, bao gồm cả hoạt động nội bộ của cảng đó và các hoạt động bên ngoài cảng.
Giải pháp phần mềm khai thác cảng VTOS do CEH nghiên cứu và phát triển đã giải quyết tốt việc này (tính riêng các hoạt động nội bộ đã có khoảng 200 nghiệp vụ được đưa lên môi trường số).
Tới nay, các doanh nghiệp cảng biển triển khai VTOS đều đạt hiệu quả rõ rệt: Năng suất hoạt động cảng tăng 62%, chi phí giảm 30%, cắt giảm được 25% nhân sự khai thác và 80% thương vụ, với chi phí đầu tư chỉ bằng 10 - 20% giải pháp nước ngoài.
CEH dần được biết đến như một thương hiệu uy tín, điểm đến tin cậy của các doanh nghiệp cảng biển có nhu cầu chuyển đổi số.
“Tuy nhiên, đây mới là những bước đi đầu tiên trên hành trình chuyển đổi số toàn diện, tổng thể một cảng biển”, Giám đốc CEH Tạ Minh Vang lưu ý.
Mỗi cảng biển luôn có nhu cầu kết nối ra bên ngoài, đó là kết nối với các hãng tàu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và cả các doanh nghiệp vận tải. Chẳng hạn, khi dữ liệu được liên thông, việc xác thực tàu có thể được thực hiện tự động từ khi tàu nhập cảng, khai thác bãi cho đến lúc giao container cho khách hàng. Sự kết nối nhiều bên, hình thành dòng dữ liệu xuyên suốt mới mang lại trải nghiệm trực tuyến toàn trình, tối ưu hóa được chi phí logistics.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả chuyển đổi số cảng biển, CEH đã tích hợp dữ liệu VTOS từ nhiều cảng vào nền tảng Vietnam Smarthub Logistics (VSL). Hiểu đơn giản, VSL hoạt động như một nền tảng/trục tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu từ các VTOS lại với nhau, hướng tới giải quyết các vấn đề có tính chất liên cảng, thậm chí liên ngành.
“Hiện CEH đã triển khai giải pháp VTOS cho khoảng 25 cảng, dự kiến năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai thêm 20 cảng. Bản thân mỗi doanh nghiệp cảng trong quá trình sử dụng VTOS đã sinh ra một lượng dữ liệu khổng lồ. Với việc kết nối các cảng với nhau, chúng tôi hướng tới hình thành một hệ sinh thái chuyển đổi số cảng biển hiệu quả, bền vững”, ông Vang nhấn mạnh.
Dùng dữ liệu giải “bài toán” logistics
Trong bối cảnh năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia, bàn về vai trò của dữ liệu trong chuyển đổi số cảng biển, ông Tạ Minh Vang, Giám đốc CEH khẳng định: “Dữ liệu là mạch máu của kinh tế số. Nhận định này đặc biệt đúng với lĩnh vực logistics và cảng biển. Bên cạnh dòng chảy vật chất của hàng hóa, dòng chảy dữ liệu phải được duy trì liên tục, xuyên suốt, đồng bộ với dòng chảy vật chất. Có như vậy, doanh nghiệp cảng mới từng bước giải quyết được “bài toán” logistics”.
Ông Vang minh chứng rõ hơn bằng những con số thực tế qua trải nghiệm của chính doanh nghiệp mình: Ở Việt Nam trước đây, để thực hiện một lệnh giao nhận container cần phải qua trung bình 11 điểm dừng và cần 6 - 8 giờ để hoàn thành. Sau khi triển khai chuyển đổi số cảng biển, một lệnh giao nhận container chỉ còn qua 1 điểm dừng và hoàn tất trong vòng 2 - 3 phút, tương đương tốc độ xử lý của Singapore. Nếu không có dữ liệu thì sẽ khó đạt được kết quả này.
Một “bài toán” nữa có thể dùng dữ liệu để giải quyết hiệu quả, đó là tối ưu hóa container rỗng. Trước đây, một container sau khi vận chuyển đến khách hàng sẽ được vận chuyển lại trong trạng thái rỗng (không hàng hóa), như vậy không tối ưu về mặt chi phí. Với dữ liệu theo thời gian thực, thông qua ứng dụng của CEH có khả năng kết nối cảng biển với doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp vận tải, các container có thể được tái sử dụng theo mô hình kinh tế chia sẻ, giúp tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm 30% chi phí logistics.
“Với mô hình tối ưu hóa container rỗng theo hướng kinh tế chia sẻ, chỉ tính riêng trong năm 2023, đã có hơn 5,6 triệu giao dịch thành công và dòng tiền chảy qua hệ thống lên tới 3.200 tỷ đồng”, Giám đốc CEH cung cấp những con số ấn tượng kèm nhận định “còn rất nhiều “bài toán” khác cũng có thể giải quyết hiệu quả nhờ dữ liệu”.
Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia cho rằng lượng dữ liệu khổng lồ là nguồn tài nguyên vô giá, là chất liệu để phát triển các mô hình đổi mới sáng tạo, Giám đốc Tạ Minh Vang phân tích thêm khía cạnh khác: “Việc tạo lập dữ liệu mang lại công cụ quản trị số hiệu quả cho các cơ quan nhà nước như: Cảng vụ, Hải quan, Thuế. Trước đây, mỗi một cơ quan sử dụng các ứng dụng, phần mềm rời rạc, chưa có sự kết nối, liên thông về dữ liệu. Nay với cách tiếp cận nền tảng, mỗi cơ quan tham gia vào nền tảng đều nhìn thấy bức tranh tổng thể về tình trạng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cảng biển, từ đó, nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực tương ứng”.
Thêm động lực và niềm tin vào con đường đã chọn
Nhìn lại hành trình triển khai cảng biển số đã qua, Giám đốc Tạ Minh Vang cho biết đã gặp nhiều thuận lợi khi nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ và ghi nhận từ các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính.
“Đặc biệt, cần phải nhấn mạnh vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã phát hiện và đồng hành cùng CEH. Sau khi đạt giải nhất tại một cuộc thi do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, giải pháp VTOS của CEH đã được nhiều bên biết tới và tin tưởng sử dụng. Từ lúc mới triển khai cho 4 cảng, sau một năm, CEH đã triển khai được thêm cho 21 cảng. Đây là thành tích mà tập thể CEH chúng tôi rất tự hào, bởi thông thường một dự án triển khai cho cảng thường mất từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí kéo dài lâu hơn”, ông Vang bày tỏ.
Chia sẻ về những thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp, người đứng đầu CEH thẳng thắn đề cập, khó khăn lớn nhất là tư duy của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng sản phẩm nước ngoài hiện đại hơn sản phẩm trong nước.
“Tư duy này đúng nếu đặt ở bối cảnh cách đây vài năm, khi mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ xác định thế mạnh là gia công phần mềm (outsourcing). Tuy nhiên, với sự chuyển dịch mạnh mẽ sang xu hướng làm sản phẩm “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đã làm ra sản phẩm chất lượng, có thể cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Vang phân tích.
Tháng 10/2023 vừa qua là dấu mốc đáng nhớ trên hành trình phát triển của CEH khi một doanh nghiệp cảng đã chính thức chuyển từ giải pháp nước ngoài sang sử dụng giải pháp của CEH.
Sự kiện đặc biệt này giúp đội ngũ CEH có thêm động lực và niềm tin rằng con đường mình đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn.
Hướng tới hành trình thúc đẩy chuyển đổi số cảng biển ở phía trước, Giám đốc Tạ Minh Vang khá tâm tư khi CEH vẫn còn non trẻ, rất cần sự quan tâm của cơ quan nhà nước trong công tác quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước, trong hoạt động tư vấn về hành lang pháp lý, nhằm đảm bảo việc tích hợp, khai thác dữ liệu đáp ứng quy định pháp luật.
“Mặc dù còn non trẻ, nhưng CEH luôn khao khát được tham gia đóng góp, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chúng tôi mong muốn được tham gia phát triển nền tảng số, hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cảng biển, logistics. Bên cạnh nỗ lực giải quyết các “bài toán” trong nước, CEH đang ấp ủ ước mơ sẽ mang trí tuệ của Việt Nam ra với khu vực và thế giới”, ông Vang cho hay.
Ước mơ của Giám đốc Tạ Minh Vang cùng các cộng sự hoàn toàn có cơ sở bởi tới thời điểm hiện tại, CEH đã hợp tác với khoảng 150 hãng tàu, trong đó có 2 hãng tàu lớn nhất thế giới bao gồm Maersk (Đan Mạch) và MSC (Thụy Sĩ).
Bước vào đầu năm 2024, sản phẩm VTOS bắt đầu nhận được sự quan tâm, đề xuất hợp tác từ đối tác ở Thái Lan và Campuchia.
“Bản thân chúng tôi chưa bao giờ hài lòng với kết quả mình đã đạt được mà luôn thấy cần liên tục hoàn thiện để đáp ứng kịp sự phát triển của thị trường và nhu cầu người dùng. Chúng tôi luôn tự đặt thách thức cho chính mình với tinh thần “Make in Viet Nam”, Giám đốc Tạ Minh Vang nói.
Năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển, tạo lập dữ liệu trên các nền tảng số Việt Nam. Trong đó đặc biệt tập trung vào các nội dung: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển cơ sở dữ liệu; Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu. |