Đau đầu với áp lực nhà ở cho người thu nhập thấp

Sáng 17/9, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì Hội thảo “Các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng sự gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm của TP”. 

Theo ông Phong, TP.HCM đang đứng trước những thách thức không nhỏ về nhà ở với quy mô dân số lớn như hiện nay. Theo thống kê năm 2019, dân số TP chỉ khoảng 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, học tập, du lịch tại TP. 

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong xem mô hình nhà ở chung cư được triển lãm tại Hội thảo. ảnh: Hồ Văn

Trung bình cứ 5 năm dân số TP lại tăng thêm 1 triệu người, dẫn đến những áp lực rất lớn về nhu cầu nhà ở, việc đáp ứng nhu cầu này được TP coi là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. 

Hiện nay, diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP là 19,9m2, đến 2025 là 20,3m2. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận lớn người lao động, nhất là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí thuê nhà với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.

Việc tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị đặc biệt với mức độ đô thị hóa cao như TP.HCM”, ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận.

Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP, cũng đánh giá vấn đề nhà ở hiện nay rất cấp bách và bức xúc, đặc biệt với một TP lớn như TP.HCM, muốn giải quyết không đơn giản và phải có những quan điểm rất rõ ràng.

Theo ông Hoan, phát triển nhà ở phải gắn với phát triển kinh tế, gắn với phát triển hạ tầng và gắn với phát triển vùng. Ví dụ, phải hỗ trợ các khu vực lân cận TP phát triển kinh tế ở đó, nếu không thì dân nhập cư vào TP càng nhiều, lại thêm khó khăn khi đáp ứng nhu cầu nhà ở. Theo đó, TP cùng các khu vực lân cận phải phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cho cả vùng, chứ không chỉ cho TP.HCM.

Phải minh bạch các chính sách

Ông Lê Hồng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP cho rằng, ngoài các giải pháp, chính sách thì TP phải minh bạch và kiến tạo chính sách, doanh nghiệp BĐS phải nâng cao tính chuyên nghiệp và vì lợi ích chung.

Theo ông Châu, người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng 50% dân số, vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất của TP.HCM là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, cán bộ công chức, sinh viên, công nhân lao động, người nhập cư… để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.  

{keywords}
Trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu thì các chung cư cao cấp được nêm chặt tại khu vực trung tâm TP.HCM

Muốn vậy, ngoài việc hình thành các khu nhà ở thương mại cao cấp dành cho người có thu nhập cao thì phải hình thành mô hình nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp; tạo điều kiện để các tầng lớp dân cư sống cùng nhau, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Từ đó, ông Châu đề xuất hình thành và phát triển các mô hình nhà ở đa dạng, như:

Mô hình phát triển các dự án khu dân cư quy mô lớn (mỗi dự án nên có diện tích khoảng trên dưới 50 ha trở lên) tại các quận ven và huyện ngoại thành; mô hình chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị lụp xụp, chung cư cũ, kênh rạch.

Trong thời gian tới, phát triển nhiều mô hình nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện tiếp cận nhà ở cho 10 đối tượng thụ hưởng, theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở, vẫn là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Khuyến khích và đẩy mạnh mô hình hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở, cho thuê nhà ở; mô hình phát triển các điểm dân cư nông thôn; mô hình văn phòng - lưu trú, căn hộ dịch vụ, căn hộ du lịch, cửa hàng - lưu trú đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, kết hợp vừa làm việc, kinh doanh vừa lưu trú.

Cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp, người nhập cư.

Ngoài ra, cần phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư quy mô lớn tại các tỉnh giáp ranh thành phố Hồ Chí Minh.

Để giải quyết các vấn đề đó, Nhà nước cần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch; Doanh nghiệp BĐS phải nâng cao tính chuyên nghiệp, có năng lực tài chính; xây dựng tinh thần doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật và tôn trọng lợi ích chính đáng của khách hàng”, ông Châu đề xuất.

Hồ Văn

5 năm dân tăng 1 triệu, TP.HCM giải quyết nhà ở thế nào?

5 năm dân tăng 1 triệu, TP.HCM giải quyết nhà ở thế nào?

TP.HCM sẽ phải giải bài toán nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số khoảng 1 triệu người trong mỗi 5 năm.