Nông nghiệp là thế mạnh của Gia Lai, chính vì vậy trong thời gian qua, tỉnh đã chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 

Trong thời gian qua, Gia Lai chú trọng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Điều đó đã được thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch sử dụng đất tỉnh, huyện đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 202 - 2030. Bên cạnh đó, Gia Lai đã triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Cùng với đó, địa phương cũng đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án nông nghiệp công nghệ cao (Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 09/6/2022 của UBND tỉnh; Quyết định số 633/QĐ-UBND ngày 18/11/2020 của UBND tỉnh). Ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư theo Luật Công nghệ cao; Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; Bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP; Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; triển khai Chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP Sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về tín dụng, v.v… Ngoài ra, tỉnh còn ban hành các kế hoạch phát triển chuyên ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cơ cấu ngành, chuyển đổi cây trồng…

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã hình thành 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với diện tích 3.490 ha với các sản phẩm chính là: Cà phê, tiêu, trái cây (14 vùng sản xuất trái cây, 1 vùng hồ tiêu, 1 vùng sản xuất cà phê, 1 vùng rau hoa, 1 vùng dược liệu). Có 3 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đó là: Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú - TP Pleiku, Công ty Cổ phần chè Bàu Cạn - huyện Chư Prông và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp về cà phê.

Bên cạnh đó, Gia Lai cũng thu hút được 295 dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 133 dự án đã có Quyết định chủ trương đầu tư (trồng trọt: 29 dự án với diện tích 1.464,5 ha; kinh phí 4.009,26 tỷ đồng; chăn nuôi: 93 dự án với tổng diện tích 2.646,02 ha, kinh phí 14.471,66 tỷ đồng; trồng rừng: 11 dự án với diện tích 4.123 ha). Trong đó, có thể thấy đã có nhiều dự án đã đi vào hoạt động đem lại hiệu quả.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã làm thay đổi tư duy của người dân, HTX và doanh nghiệp, từng bước làm chủ được công nghệ như lựa chọn vật tư nông nghiệp có chất lượng, sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đống gói, truy xuất nguồn gốc.

"Gia Lai đã ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 33 vùng. Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ công nhận 8-10 doanh nghiệp và 6 khu nông nghiệp công nghệ cao", ông Có cho thông tin.