Từ này có nghĩa là "không lãng phí bất cứ thứ gì giá trị", hoặc "phí phạm thế", và nó đã trở thành đại diện cho nhận thức về môi trường của người dân quốc đảo này.
"Mottainai" bắt nguồn từ triết lý Phật giáo về sự tiết kiệm và luôn lưu tâm đến hành động của chúng ta. Từ này trở nên nổi tiếng từ những ngày đói khổ thời hậu chiến ở Nhật Bản, và đến nay vẫn được lưu truyền từ các bậc ông bà sang con cháu tại xứ sở mặt trời.
Nó cũng được kết nối với tôn giáo bản địa, Thần đạo, trong đó thiên nhiên và cả những vật do con người chế tạo đều thấm đẫm "kami" (tinh thần) của riêng chúng - nghĩa là mọi thứ đều có giá trị bẩm sinh và không thể bị vứt bỏ một cách thiếu tôn trọng.
Mottainai còn có thể được thấy rõ trong cách nhà vô địch giải đấu Nhật Bản Marie Kondo gửi lời cảm ơn đến từng chiếc quần chiếc áo trước khi xếp sắp chúng đem cho từ thiện. Nó cũng giải thích vì sao đất nước này dẫn đầu thế giới về 3R: Reduce (Giảm thiểu), Reuse (Tái sử dụng) và Recycle (Tái chế).
"Mottainai" còn được người đoạt giải Nobel Hòa bình Wangari Maathai (Kenya), sáng lập viên phong trào Greenbelt, sử dụng để khuyến khích người châu Phi loại bỏ rác thải nhựa.
Nhật Bản hiện là nước có hệ thống tái chế rác thuộc loại chi tiết nhất thế giới. |
Phân loại và tái chế
Trong bài viết trên Diễn đàn Kinh tế thế giới, tác giả Kate Whiting chỉ ra rằng, hệ thống quản lý rác thải tinh vi của Nhật Bản đang cung cấp nhiều bài học quý giá cho phần còn lại của thế giới: mọi thứ từ polystyrene (một loại nhựa nhiệt dẻo) đến bao bì đóng gói đều có thể được phân loại và tái chế.
Đạo luật Tái chế cơ bản có hiệu lực ở Nhật Bản vào năm 2000 - nhằm thúc đẩy 3R và quản lý rác thải thích hợp. Tháng 10 hàng năm là tháng khuyến khích 3R.
Các siêu thị hiện nay đều có các máy hủy chai PET, và nhựa PET sau đó được sử dụng để chế mọi thứ, từ quần áo, thảm cho đến chai lọ mới.
Bên cạnh đó có rất nhiều ứng dụng có tính năng "từ điển" để hỗ trợ mọi người phân loại rác thải, có chuông báo nhắc nhở mọi người đổ bỏ rác cho thu gom vào một ngày nhất định.
Ảnh: Steve Nagata |
Theo Kate Whiting, có nhiều lý do chính đáng thúc đẩy động lực của Nhật Bản trong giải quyết vấn đề rác thải.
Trong nền kinh tế bong bóng những năm 1980 và đầu thập niên 1990, lĩnh vực sản xuất nhựa tăng trưởng nhanh chóng, do đó vấn đề rác thải của Nhật cũng tăng lên. Từ năm 1993 đến năm 2000, số lượng chai nhựa được sản xuất tăng gấp ba lần, lên hơn 360.000 tấn, theo Bộ Môi trường Nhật Bản.
Ngày nay, Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ về số rác thải bao bì nhựa tính theo đầu người, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP). Tuy nhiên, trong một báo cáo, năm 2018, UNEP chỉ ra rằng "nhờ hệ thống quản lý rác thải rất hiệu quả và ý thức xã hội cao, [Nhật Bản] đã hạn chế được tình trạng rò rỉ nhựa sử dụng một lần ra môi trường".
Trong số 9,4 triệu tấn rác thải nhựa do Nhật Bản tạo ra mỗi năm, chính phủ nước này cho biết chỉ 25% được tái chế, còn 57% được đốt để "thu hồi năng lượng" và 18% được đem chôn lấp.
Ảnh: Timothy Takemoto |
Đốt rác
Do diện tích đất hạn chế, Nhật Bản không có nhiều khoảng trống để làm bãi chôn lấp. Việc thu gom rác ở mỗi nơi cũng được thực hiện khác nhau. Ở Nakano, rác thực phẩm, hộp bánh pizza, tã lót và ủng cao su không thấm nước được thu gom đem đốt, tạo ra điện.
Tuy nhiên, việc đốt rác cũng tạo ra nhiều loại khí độc hại, trong đó có dioxin, được ghi nhận có thể gây ô nhiễm đất và thậm chí cả sữa mẹ.
Vì vậy, trong hơn 2 thập niên qua, Nhật Bản đã và đang nỗ lực cải tiến công nghệ, để giảm bớt lượng khí thải từ hoạt động đốt rác nhằm bảo vệ con người và môi trường.
Nhật Bản có các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất thế giới về phân loại, tái chế rác thải. |
"Không rác thải"
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, nước này hiện có 26 thị trấn sinh thái được chứng nhận "hài hòa với môi trường". Một ngôi làng thậm chí đã đưa "mottainai" lên một cấp độ mới, bằng cách đặt mục tiêu 100% không rác thải vào năm 2020.
Hồi năm 2000, người dân Kamikatsu vẫn giữ thói quen đốt rác thải sinh hoạt hoặc vứt rác bừa bãi. Đến năm 2003, thị trấn lập tuyên ngôn "Không rác thải", quyết tâm theo đuổi và xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Giới chức địa phương đã làm việc với các gia đình cùng trường học để bàn bạc các giải pháp xử lý triệt để rác thải. Không Rác thải được giải thích là không thứ gì bị vứt bỏ hoàn toàn và cần được tái chế.
Sau thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, thành quả tốt đẹp cũng đến với Kamikatsu ngày nay khi thị trấn tiến sát đến mục tiêu 100% không rác thải. Và, mấu chốt thành công chính là hệ thống phân loại rác rất cụ thể và chi tiết, để giúp người dân dễ dàng thực hiện.
Làng Kamikatsu thành công nhờ hệ thống phân loại rác thải rất chi tiết. Ảnh: Nippon |
Theo BBC, Kamikatsu ngày nay đang chào đón rất nhiều thực tập sinh cùng du khách cả ở trong và ngoài nước để chia sẻ những gì họ đã học được.
"Với đà gia tăng dân số và sự thiếu hụt tài nguyên trên toàn thế giới, trí tuệ, văn hóa và công nghệ sẽ là không thể thiếu để giúp sinh tồn", Chủ tịch Học viện Xử lý chất thải Akira Sakano nói.
Thanh Hảo
Tuyệt chiêu xử lý rác giúp Singapore xanh sạch hàng đầu thế giới
Điều gì sẽ xảy ra với những loại rác thải mà con người vứt vào thùng ở Singapore? Và với cả những chiếc máy tính xách tay hỏng đang nằm xếp xó?