Cùng với sự phát triển bùng nổ của Internet, các cuộc thi qua mạng đã được tổ chức từ rất sớm tại Việt Nam. Chỉ cần nhập “thi toán trực tuyến”, công cụ tìm kiếm Google đã trả về gần 70 triệu kết quả. Có thể thấy, các cuộc thi trực tuyến, đặc biệt là Toán học ngày càng thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của học sinh các cấp.

Củng cố hệ thống kiến thức 

Việt Nam chính thức có Internet từ năm 1997. Chỉ hơn 10 năm sau đó, học sinh nước nhà đã có sân chơi giải Toán trên Internet đầu tiên là Violympic, được phát động bởi Tập đoàn FPT.

Các cuộc thi như Violympic đã góp phần giúp các em học sinh làm quen với khối lượng kiến sức đồ sộ của bộ môn này. Theo ước tính của FPT, mỗi học sinh khi ôn luyện, tham gia đầy đủ các vòng thi (trong một năm học) có thể tiếp cận tới 2,000 bài toán, làm quen với các dạng toán và hình thức thi mới. Cuộc thi kéo dài gần như xuyên suốt mỗi năm học. Do đó, để chinh phục giải thưởng cao nhất đòi hỏi ở học sinh có quá trình tích luỹ kiến thức bền bỉ, khả năng vận dụng và ghi nhớ kiến thức cả ở chiều rộng và chiều sâu. 

Anh Hiển, phụ huynh của em Trí Thành (giải Bạc Violympic cấp tỉnh năm học 2021 -2022) cho biết, ban đầu, con vốn thích và học giỏi môn Tiếng Việt. Bản thân anh cũng không khuyến khích con tham gia các cuộc thi online vì dễ gây xao nhãng việc học chính trên lớp. Tuy nhiên, sau khi nhà trường phát động, con vừa tìm hiểu vừa tham gia Violympic và tiến sâu hơn vào vòng thi các cấp, anh nhận thấy con có năng khiếu học và ham thích môn Toán hơn. “Kết quả học chính khoá của con cũng tiến bộ lên trông thấy. Trước đây tôi nghĩ con chỉ tham gia theo phong trào, nhưng những kiến thức, thói quen được hình thành từ cuộc thi thật sự có ích”, anh Hiển chia sẻ.

Khơi nguồn cảm hứng học tập

Các sân chơi như: Cuộc thi giải toán Violympic, Đấu trường toán học VioEdu tạo ra môi trường thân thiện, lành mạnh và hoàn toàn miễn phí để học sinh giao lưu, học hỏi với bạn bè trên khắp mọi miền tổ quốc. 

Điểm chung của hai sân chơi là lồng ghép kiến thức trong mô hình game với những nhiệm vụ chinh phục, bảng xếp hạng và phần thưởng; nhờ đó kích thích tâm lý cạnh tranh của các em học sinh. Không chỉ thi đấu, học sinh được trao quyền chủ động học tập thông qua bài giảng bằng: video hoạt hình, bài luyện tập được cá nhân hoá bởi trí tuệ nhân tạo AI… khi học trên VioEdu.

Mùa hè năm 2021 - thời điểm cả nước căng thẳng vì giãn cách xã hội, các em học sinh từ nhiều tỉnh thành khác nhau đã được kết nối, phối hợp làm việc nhóm, thực hiện 1 bài thuyết trình online trong vòng chung kết “Đấu trường Toán học VioEdu”. Phần thi này tạo điều kiện để học sinh không chỉ nâng cao khả năng giải Toán, mà còn phát triển các kỹ năng mềm, đặc biệt khám phá được mối liên hệ hai chiều giữa Toán học và thực tế cuộc sống.

Những hoạt động thi đua đa dạng và đầy màu sắc này giúp các em có thêm động lực học tập tích cực, đây là điều phụ huynh và giáo viên đều mong muốn.

 Các cuộc thi giải Toán qua Internet tạo cơ hội để học sinh củng cố kiến thức, các kỹ năng công nghệ thông tin (Ảnh: Violympic)

Trang bị kỹ năng cho công dân số toàn cầu 

Nhiều năm trước, học sinh Việt Nam khi bước vào các sân chơi quốc tế thường bị đánh giá “chậm thích nghi” vì vốn ngoại ngữ không đủ tốt, thiếu các kỹ năng cần thiết như kỹ năng sử dụng công nghệ. Môn thi Toán tiếng Anh của Violympic góp phần giúp khắc phục hoàn toàn những điểm yếu này. Trải qua nhiều thế hệ học sinh, các em đã nâng cao trình độ tiếng Anh, đồng thời sử dụng Internet như một kênh học tập hiệu quả. Đạt thành tích cao ở Violympic cũng là một bước đà để học sinh tự tin có sức bật tốt, chạm tới những mục tiêu cao hơn ở đấu trường quốc tế.

Trong những ngày cao điểm của đại dịch khi giãn cách xã hội kéo dài, học tập trực tuyến trở thành lựa chọn duy nhất của các em. Dễ thấy, những kỹ năng có được khi tham gia các cuộc thi trực tuyến như Violympic, đấu trường Toán học đã giúp ích trong việc các em làm quen với việc học hoàn toàn trên không gian mạng, giữ gìn nề nếp học tập... 

Với những lợi ích thiết thực, Violympic luôn là một sân chơi uy tín, một “người bạn” đồng hành của học sinh và phụ huynh hơn 27 ngàn trường trên 63 tỉnh thành. Năm học 2021 - 2022, Violympic cán mốc 35 triệu tài khoản. Vào ngày 23/4 sắp tới, vòng Chung kết Quốc gia năm thứ 14 của Violympic sẽ diễn ra, dự kiến có sự góp mặt của hơn 57,000 thí sinh, tăng 335% so với năm học trước.

Theo thông tin từ ban tổ chức, Vòng quốc gia Violympic năm học 2021 - 2022 sẽ mở thêm các khối 2, 3, 4 Toán tiếng Việt, bỏ khối 12 Toán tiếng Việt. Số lượng giải thưởng vòng này cũng sẽ được ấn định ngay từ đầu, với 1.100 học sinh đứng đầu mỗi khối Tiểu học; 600 học sinh đứng đầu mỗi khối THCS và 110 học sinh đứng đầu khối THPT.

Các chuyên gia giáo dục nhận định, những cuộc thi Toán qua mạng tạo ra những cơ hội học tập vượt khỏi phạm vi địa lý, mang kiến thức Toán theo kết nối Internet đến với cả những học sinh vùng sâu, vùng xa. Điều này phần nào lý giải sức hấp dẫn khổng lồ của các cuộc thi giải Toán qua mạng của Việt Nam với các em học sinh.

Doãn Phong