Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Tiền Giang đã đẩy mạnh các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và đào tạo nghề. Trong 11 tháng năm 2024, hơn 19.000 lượt lao động được tư vấn, 3.037 người tìm được việc làm ổn định.

Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) được Tiền Giang coi là giải pháp trọng điểm trong công cuộc giảm nghèo. Năm nay, tỉnh có 446 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, số liệu tính tới hết tháng 11. Thị trường Nhật Bản dẫn đầu với 346 lao động, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), với 60 lao động và một số quốc gia như: Canada, Mỹ, Hàn Quốc.

Việc tham gia đi làm việc ở nước ngoài sẽ giúp người lao động mở mang kiến thức, nâng cao tay nghề, ngoại ngữ, tác phong, đáp ứng môi trường làm việc hiện đại. Tỉnh coi đây là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho một bộ phận lao động nông thôn và người nghèo. Nguồn thu nhập cao từ công việc sau 3 năm giúp không ít gia đình thoát nghèo bền vững. Thực tế, người lao động sẽ tích lũy từ 500 - 600 triệu đồng trong khoảng thời gian này.

Xuất khẩu lao động để có việc làm ổn định, phù hợp, thu nhập cao là mong muốn của người dân, nhất là những lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo được thoát nghèo. Qua tuyên truyền, không ít lao động trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo hiểu giá trị, ý nghĩa của việc đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, với các hộ này, chi phí tham gia xuất khẩu lao động thực sự là gánh nặng.

Để tạo thuận lợi cho người dân đi xuất khẩu lao động, Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh Tiền Giang nêu rõ người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh có nhu cầu tham gia đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ vay vốn tín chấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội, mức vay 100% chi phí tham gia theo hợp đồng. Các chính sách hỗ trợ tài chính và đào tạo ngoại ngữ của tỉnh đã giúp nhiều lao động nghèo hiện thực giấc mơ làm việc tại nước ngoài. 

W-nong thon moi 11 100249.jpg
Diện mạo nhiều làng quê đổi thay nhờ xuất khẩu lao động. 

Tại huyện Chợ Gạo, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, huyện đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Hoạt động này được triển khai song song với các giải pháp thu hút doanh nghiệp, đơn vị đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dạy nghề gắn với việc làm tại chỗ, thực hiện chính sách vay vốn giải quyết việc làm.

Hỗ trợ người dân có mong muốn tìm việc làm, tăng thu nhập từ xuất khẩu lao động, Phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Gạo phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực giải quyết nỗi lo về vốn. Tổng cộng từ năm 2022 đến hết tháng 8/2024, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vay ưu đãi cho 27 hộ có người lao động đi xuất khẩu lao động với tổng số vốn là hơn 1,8 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm nay, có 6 lao động được đi xuất khẩu với số vốn được giải ngân là 804 triệu đồng.  

Theo thống kê của huyện Chợ Gạo, trong 3 năm qua, huyện đã tư vấn xuất khẩu lao động cho 136 người lao động. Riêng 9 tháng năm 2024, huyện tư vấn đưa 39 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 102,63% so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Gạo cho hay, xuất khẩu lao động đã giúp người lao động nghèo chạm tay vào giấc mơ có cuộc sống ổn định, phát triển. Nguồn vốn tích luỹ được sau thời gian đi lao động ở nước ngoài tạo điều kiện để họ giúp đỡ gia đình thoát nghèo đa chiều, giúp giải quyết việc làm cho nhiều bà con khác ở quê hương.

Sau 3 năm làm việc tại Nhật Bản, chị Lê Thị Bé Nguyên (ấp Long Thạnh, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo) tích luỹ được vốn khá. Chị gửi về gia đình xây dựng nhà ở khang trang, mua sắm dụng cụ sản xuất, phát triển chăn nuôi… cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình. Chị cho hay, nếu trước đây không quyết tâm đi xuất khẩu lao động, quanh năm ở quê nhà chỉ làm ruộng, đi làm thuê… thì cuộc sống gia đình khó vươn lên. 

Dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng công tác xuất khẩu lao động tại huyện Chợ Gạo nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn đến từ tâm lý e ngại của người dân về xuất khẩu lao động do chi phí cao, phải đến môi trường lạ, bất đồng về ngôn ngữ... Do đó, để hoàn thành các chỉ tiêu về giải quyết việc làm cho người lao động, các địa phương tại Tiền Giang tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, cải cách phương pháp thông tin, tuyên truyền về việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động; ban hành các văn bản triển khai thực hiện những chỉ tiêu phù hợp với nhu cầu thị trường và trình độ, năng lực của người lao động tại địa phương. Đặc biệt, các xã, thị trấn rà soát, khảo sát nhu cầu tìm việc làm, xuất khẩu lao động học nghề ngay từ đầu năm để tổng hợp danh sách cụ thể gửi cấp trên...