Ngày 22/10, Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) mã nguồn mở cho các địa phương trên cả nước. 

Ông Đỗ Trường Duy, Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia cho hay, 100% bệnh viện trên cả nước đã triển khai hệ thống HIS (Hospital Information System - HIS) dựa trên mã nguồn mở. Tuy nhiên, các bệnh viện sử dụng phần mềm khác nhau nên hệ thống không đồng bộ. Nhiều địa phương không nắm được quy trình công nghệ thông tin, chậm hoàn thành mục tiêu hoàn thiện bệnh án điện tử.

do truong duy.png
Ông Đỗ Trường Duy phát biểu tại hội nghị.

Theo Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia, hiện cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin tại bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn, chưa có quy định cụ thể. Một số đơn vị không nắm được đầy đủ quy trình đầu tư, triển khai dự án công nghệ thông tin nên làm sai. Trong khi đó, bệnh viện lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp cung cấp phần mềm, không tự chỉnh sửa được các      trường thông tin/dữ liệu, có thể gây lộ lọt thông tin người bệnh, thậm chí bị sao chép dữ liệu.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, các bệnh viện sử dụng phần mềm khác nhau với chi phí khác nhau. Các cơ sở y tế lo ngại nếu hết hợp đồng với công ty cung cấp công nghệ phải mở thầu lại, công ty cũ có thể không trúng thầu. Khi đó, đơn vị trúng thầu khác sẽ đưa phần mềm mới và bệnh viện lại phải triển khai tập huấn sử dụng công nghệ số từ đầu, gây tốn kém, khó khăn. Theo ông Dũng, nếu có 1 phần mềm dùng chung, các bệnh viện sẽ đồng bộ, đảm bảo thời gian lâu dài (trong sử dụng), tiết kiệm chi phí mua sắm thiết bị/phần mềm. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng, Trưởng phòng Dịch vụ Chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia nhận định, nếu sử dụng HIS mã nguồn mở, các bệnh viện sẽ giảm tối đa chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin. Ví dụ, bệnh viện tuyến huyện thường mất trung bình khoảng khoảng 300 triệu đồng cho việc mua bản quyền, vận hành phần mềm công nghệ thông tin, nhưng nếu dùng phần mềm mã nguồn mở sẽ tiết kiệm được 50-60% chi phí này. 

Cũng theo ông Hùng, hệ thống HIS mã nguồn mở được miễn phí bản quyền phần mềm. Cơ sở y tế chỉ phải chi trả phí cài đặt, vận hành, bảo trì nâng cấp hạ tầng và đào tạo. Trường hợp các đơn vị tự quản trị vận hành sẽ không mất chi phí. Mục tiêu của Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia là tổ chức thực hiện sử dụng mã nguồn mở thay vì phụ thuộc phần mềm mã nguồn đóng như hiện nay.  

Bởi theo ông Hùng, hệ thống thông tin bệnh viện dùng phần mềm mã nguồn mở sẽ mang lại cho các cơ sở khám, chữa bệnh 2 lợi ích: Phần mềm mã nguồn mở được đăng tải công khai lên Internet để các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng miễn phí; huy động sự đóng góp của cộng đồng công nghệ thông tin chung tay cập nhật hoàn thiện phần mềm (với các bản cập nhật thường xuyên, liên tục). 

"Để thực hiện điều này, tất cả sở y tế trong cả nước phải thành lập được 63 tổ công nghệ thông tin. Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia sẽ đào tạo đội ngũ này để thực hiện chuyển đổi số cho y tế địa phương, giúp các đơn vị đều nắm được chức năng, tính năng, lợi ích, quy trình triển khai HIS mã nguồn mở" ông Đỗ Trường Duy, Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia kết luận. 

Ba bất cập lớn nếu tiếp tục dùng đơn thuốc viết tay

Ba bất cập lớn nếu tiếp tục dùng đơn thuốc viết tay

Đơn thuốc dù kê bằng máy tính trên phần mềm hay viết tay trên sổ y bạ đều không thể xác minh được đơn có thật hay không, người kê đơn hay cơ sở xuất đơn có đủ thẩm quyền hay không, theo Tổng thư ký Hội Tin học y tế.