Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra không ít vụ cháy lớn, đặc biệt tại các khu chung cư. Điều đáng nói, rất nhiều tồn tại, bất cập từ những năm trước dù đã được kết luận nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Để đối phó với cơ quan chức năng, nhiều khu chung cư cũng trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng cũng chỉ để “trưng bày”, bởi trên thực tế chúng không thể phát huy tác dụng nếu sự cố xảy ra, do đã hỏng hóc hoặc không đạt yêu cầu về chất lượng.

{keywords}

Cháy nổ luôn rình rập các khu chung cư nếu không thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC. (Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - ảnh nhỏ)

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội nói về thực trạng đáng báo động này.

- Thưa Thiếu tướng, thực tế cho thấy, Cảnh sát PCCC đã lập nhiều biên bản kiểm tra đối với các cơ sở vi phạm, nhưng đến nay không được xử lý. Vậy trách nhiệm xử lý sau kiểm tra thanh tra của lực lượng PCCC thành phố được thực hiện như thế nào? Nhiều công trình được nghiệm thu về PCCC còn thấp, tại sao vẫn được đi vào hoạt động?

- Chúng tôi đã cùng các ngành, các cấp thực hiện nhiều việc, từ tuyên truyền đến kiểm tra, xử lý vi phạm và công tác này đều có sự cố gắng đáng kể. Nếu trước đây, khoảng năm 2011, một năm, lực lượng chức năng chỉ phạt chưa được 1 tỷ đồng, nhưng đến năm 2015, con số này đã tịnh tiến dần, năm trước cao hơn năm sau. Năm 2015 qua kiểm tra đã xử phạt hơn 5,8 tỷ. 6 tháng đầu năm 2016 xử phạt 3,6 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đặt nghi vấn: “Liệu cảnh sát PCCC có “sân sau” với các chủ đầu tư không?”, đồng thời yêu cầu lãnh đạo Cảnh sát PCCC kiểm tra việc này, nếu có phải xử lý thật nghiêm.

Vấn đề kiểm tra các chủ đầu tư vi phạm sau khi đã xử lý tập trung vào các vấn đề như: nhà, công trình cao tầng tái định cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Kết quả, trên 20% đã có ý thức khắc phục hoặc có biện pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, các đơn vị, cơ sở hoàn thiện thủ tục về tiêu chuẩn PCCC cần có thiết kế, hồ sơ thẩm định, phê duyệt. Từ giai đoạn thẩm định đến nghiệm thu là cả quá trình, từ chỗ không thực hiện đến chủ động thực hiện, tôi cho rằng đó là sự tiến bộ đáng kể, bước đầu ghi nhận.

- Còn trách nhiệm để tồn tại, cho đi vào hoạt động những toà nhà mà không có giấy chứng nhận nghiệm thu về PCCC? Báo cáo của UBND TP Hà Nội mới đây chưa nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, như vậy rất khó xử lý dứt điểm? Theo Thiếu tướng, có hay không sự thiếu kiên quyết của Cảnh sát PCCC trong xử lý, khắc phục?

- Để tồn tại vấn đề không có giấy chứng nhận nghiệm thu PCCC là do người dân và chủ đầu tư chưa chủ động thực hiện vấn đề này, vì ảnh hưởng đến kinh phí, không có lợi cho nhà đầu tư. Thứ hai là gần đây mới có quy định cần giấy chứng nhận về thẩm quyền PCCC, tuy nhiên lại nảy sinh vấn đề: sau khi hoàn thành công trình, cần có giấy xác định hoàn thành công trình mới được đưa vào sử dụng, trong đó có nghiệm thu PCCC. Thế nhưng, hiện nay vấn đề này đang bỏ ngỏ. Và khi người dân đã vào sử dụng rồi thì việc cưỡng chế lại không hề đơn giản. Ngành xây dựng và chính quyền địa phương cần quản lý, kiểm soát số lượng công trình đang xây dựng. Chúng tôi cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm, lực lượng PCCC chưa thực sự làm hết trách nhiệm, chưa thúc đẩy được việc nghiêm túc chấp hành trong công tác PCCC.

- Những khu nhà tái định cư, là nơi dành cho những người bị thu hồi đất phục vụ dự án lớn của thành phố, nhưng người dân vẫn chưa được đảm bảo về PCCC. Vậy bao giờ thành phố mới có chỉ đạo đối với Công ty khắc phục ngay những hạn chế trong PCCC?

- Tồn tại ở các tòa nhà tái định cư như khu Đền Lừ, Nam Từ Liêm… là tồn tại lịch sử. Những nhà tái định cư cũng đã được đầu tư trang thiết bị nhưng trong quá trình sử dụng đã hư hỏng, không hoạt động được nữa. Cảnh sát PCCC và Sở Xây dựng đã có sự phối hợp với ban quản lý trực thuộc là Công ty trách nhiệm một thành viên phát triển nhà (trực thuộc Sở Xây dựng). Vấn đề liên quan đến mua sắm, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư. Phần xử lý tái vi phạm, tôi xin trả lời là chưa làm hết trách nhiệm. Thậm chí tổ chức cưỡng chế để yêu cầu chấp hành đầu tư trang bị cho PCCC còn chưa thực hiện.

Vậy khi xảy ra hỏa hoạn, gây thiệt hại lớn về người và của, trách nhiệm sẽ thuộc về ai, thưa Thiếu tướng?

- Đồng chí Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo xử lý quyết liệt vấn đề này. Về trách nhiệm, đối với các chủ đầu tư vi phạm, UBND TP chỉ đạo phải cưỡng chế thực hiện, tùy theo mức độ vi phạm để xử lý. Về trách nhiệm của cơ quan PCCC, nếu không thực hiện nghiêm túc cũng sẽ bị xử lý.

Theo tôi, UBND TP cần chỉ đạo các sở, ngành tăng cường kiểm tra, khắc phục ngay những hạn chế. Kiên quyết xử lý những chủ đầu tư khi chưa được cấp phép của cơ quan PCCC đã đưa dân vào ở; dùng biện pháp mạnh, công khai danh tính những chủ đầu tư chưa có phép của cơ quan PCCC để nhân dân biết, đồng thời tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về trách nhiệm của mình trong PCCC.

Chủ tịch HĐND TP giao Ban Pháp chế tiếp tục giám sát vấn đề này. Tại kỳ sau nếu còn tồn tại những việc có thể khắc phục được thì UBND TP phải chịu trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Pháp luật