Mới ra trường có thể đạt mức lương nghìn USD

Tại Ngày hội việc làm do Trường ĐH Thăng Long tổ chức mới đây, một sinh viên đặt câu hỏi tới các nhà tuyển dụng: “Sinh viên mới ra trường có thể đạt được mức lương nghìn USD hay không và cần phải chuẩn bị điều gì để đạt được mức lương ấy?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc điều hành một nền tảng tuyển dụng, cho biết rất khó để một công ty hoặc doanh nghiệp trả 1.000 USD/tháng với 8 tiếng làm việc mỗi ngày cho một người chưa có kinh nghiệm.

Để đạt được mức thu nhập này, theo ông Tuấn Anh, người trẻ phải nỗ lực rất nhiều và nhiều hơn những gì người khác có thể làm.

“Nếu như một người làm 8 tiếng có thể đạt 500 USD/tháng, cách dễ dàng nhất để đạt 1.000 USD là hãy làm… gấp đôi thời gian của họ.

Khi mới ra trường, tôi cũng dành toàn bộ thời gian của mình cho công việc. Đôi khi, tôi thường trở về nhà lúc 1 – 2 giờ sáng và vẫn đi làm vào lúc 8 giờ sáng bình thường như những đồng nghiệp khác, tổng cộng là 16 – 17 tiếng/ngày”, ông Tuấn Anh nói.

Nếu là một người xuất sắc và muốn sở hữu mức lương cao, ông Tuấn Anh cho rằng, ứng viên cần phải chứng minh được năng lực trong công việc và khả năng đóng góp của mình cho công ty. Như vậy, họ có thể nhận về mức lương xứng đáng dựa trên những gì đã đóng góp, thậm chí không chỉ giới hạn ở 1.000 USD.

Các nhà tuyển dụng cho rằng, sinh viên học tới năm thứ 3, thứ 4 nhưng CV vẫn “trắng trơn”, như vậy đang “quá ì” 

Ông Tuấn Anh cũng thẳng thắn, việc sinh viên học tới năm thứ 3, thứ 4 nhưng CV vẫn “trắng trơn”, như vậy là đang “quá ì”.

“Cách đây khoảng gần 20 năm, ở thế hệ của chúng tôi, năm thứ 4 đi làm cũng đã là quá chậm trễ. Giờ đây, thế hệ Gen Z rất năng động, thường năm thứ 1, thứ 2 đã chủ động tìm cơ hội việc làm. Nhờ thế, các bạn có sự khởi động và va vấp trong công việc từ rất sớm”.

Quãng thời gian thực tập từ năm thứ 3 đại học cho tới 2 năm sau khi ra trường – theo ông Tuấn Anh – đó là quãng “chạy đà” cho hành trình sự nghiệp. Nếu xuất phát chậm hơn người khác có thể khiến ứng viên “đuối” hơn trên cuộc chạy đua về nghề nghiệp và sự trưởng thành trong xã hội.

Do đó, theo ông Tuấn Anh, sinh viên cần thúc đẩy bản thân năng động hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm. Việc này cần phải có lộ trình. Trước hết, cần phải xem những ngành nghề và vị trí bản thân theo đuổi đòi hỏi những nhóm kỹ năng gì. Sau đó, người trẻ cần dành thời gian trau dồi tại những môi trường cho phép họ trưởng thành ở nhóm kỹ năng ấy.

“Lợi thế khi còn ngồi trên ghế nhà trường là được phép thử, được phép sai và sửa sai. Nhưng sau khi ra trường, cái giá của việc làm sai sẽ rất đắt, thậm chí có thể khiến bạn “bay màu” trong nghề”, ông Tuấn Anh nói.

Nhân sự nào sẽ được đánh giá cao?

Trả lời câu hỏi này, theo bà Nguyễn Bích Vân - Trưởng phòng nhân sự của một tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự, đối tượng nhà tuyển dụng hướng đến là những ứng viên nghiêm túc với định hướng công việc và có thái độ làm việc tích cực. Điều này có thể đánh giá thông qua mức độ quan tâm đến vị trí công việc.

“Có những ứng viên “rải” CV ở rất nhiều nơi. Đến khi ngồi trước nhà tuyển dụng, thậm chí họ còn không hiểu công việc mình đang ứng tuyển sẽ như thế nào?

Cho nên trước hết, ứng viên cần có sự chỉn chu, tìm hiểu kỹ về công ty. Trong buổi phỏng vấn, thay vì chỉ ngồi lắng nghe và trả lời những câu hỏi từ nhà tuyển dụng, ứng viên cũng nên đặt các câu hỏi trở lại với tỷ lệ chiếm khoảng 30 – 40% thời lượng.

Nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá cao hơn nữa khi ứng viên hỏi, nhận được câu trả lời và có ghi chép lại”, bà Vân gợi ý.

Trong khi đó, theo ông Tuấn Anh, thế hệ Gen Z có những đặc trưng rất khác so với những thế hệ trước. Gen Z có nhiều ước mơ, hoài bão, khát khao muốn mình phát triển nhanh nhất, thậm chí nghĩ mọi thứ đến với mình rất dễ, giống như truyền thông mô tả.

Vì thế, có một tỷ lệ nhất định Gen Z cá tính mạnh, muốn thể hiện bản thân và liên tục “nhảy việc” qua nhiều vị trí khác nhau.

Nhưng theo ông Tuấn Anh, nếu chỉ làm việc trong một môi trường với thời gian quá ngắn sẽ không đủ để hình thành nên các kỹ năng.

“Để trưởng thành ở một kỹ năng nhất định cần tối thiểu 6 tháng liên tục mới có thể sử dụng nhuần nhuyễn. Để lên được bậc “master” phải cần tối thiếu 10.000 giờ thực hành. Cho nên, nếu nhảy việc liên tục ở những lĩnh vực không liên quan đến nhau sẽ không giúp người trẻ bồi đắp được kỹ năng gì”.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Tuấn Anh quan ngại, với những ứng viên có tần suất nhảy việc liên tục (dưới 6 tháng/vị trí) như thế sẽ không đáp ứng được các yêu cầu của công việc.