Trước đó, Thanh tra TP Cần Thơ có thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống dịch, các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19 tại Sở Y tế và cơ quan, đơn vị có liên quan.

Trong kết luận, Thanh tra TP Cần Thơ có nêu phần trách nhiệm liên quan đến Sở Tài chính. Cụ thể, Thanh tra TP Cần Thơ nhận định, đối với việc mua sắm tại Trung tâm CDC: “Để xảy ra những hạn chế, thiếu sót, trách nhiệm thuộc về Giám đốc CDC, Hội đồng Khoa học công nghệ cơ sở, tổ thẩm định, tổ chuyên gia xét thầu và các cá nhân tham mưu thực hiện gói thầu. 

Ngoài ra, còn có trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá được CDC Cần Thơ chỉ định thầu thực hiện thẩm định giá các gói thầu mua sắm tại CDC Cần Thơ và trách nhiệm có liên quan của lãnh đạo Sở Tài chính, Phòng thẩm định và cá nhân trực tiếp thẩm định hồ sơ dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu”. 

Đối với việc mua sắm tại các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố: “Có trách nhiệm của Phó Giám đốc Sở Tài chính, Trưởng phòng Tài chính Đầu tư và Chuyên viên phòng Tài chính Đầu tư tham mưu thẩm định...”. 

Sở Tài chính TP Cần Thơ

Sở Tài chính TP Cần Thơ cho rằng, việc nhận định của Thanh tra thành phố về trách nhiệm của Sở này như nói trên là mang tính chất chủ quan; không đủ cơ sở; không phù hợp, không sát với tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Sở Tài chính cho biết, Thanh tra TP có dựa vào quy định pháp luật, nhưng không đúng phạm vi điều chỉnh ở các tình huống xử lý, bản chất của từng gói thầu theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

“Việc đưa ra nhận định và kết luận nêu trên của Thanh tra TP không có trao đổi với đơn vị thẩm định để được giải thích làm rõ, mà “quy chụp” trách nhiệm của đơn vị thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu”, văn bản của Giám đốc Sở Tài chính gửi UBND TP Cần Thơ nêu. 

Sở Tài chính cũng cho rằng, Thanh tra thành phố không nêu hạn chế, thiếu sót của đơn vị thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu so với quy định của pháp luật đối với việc thực hiện gói thầu trong trường hợp cấp bách và những văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời điểm cả nước chống dịch. 

Vẫn theo Sở Tài chính Cần Thơ, liên quan đến thẩm định giá làm cơ sở để chủ đầu tư lập dự toán và trình phê duyệt mua sắm, theo nhận định cho rằng có trách nhiệm của Sở Tài chính, nhưng sở cho rằng nhận định này không đúng.

Sở Tài chính lập luận “căn cứ các quy định pháp luật, việc tổ chức thẩm định giá làm cơ sở lập dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa để trình cấp thẩm quyền phê duyệt không thuộc phạm vi trách nhiệm của Sở Tài chính”. Sở Tài chính chỉ thẩm định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. 

Đồng thời, Sở Tài chính cho rằng, kết luận Thanh tra nhận định: “Có dấu hiệu chia tách nhỏ gói thầu để tiến hành mua sắm ở một số bệnh viện để thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn, vi phạm những điều cấm trong hoạt động đấu thầu…”, còn mang tính chủ quan, áp dụng cho những việc mua sắm thông thường trong điều kiện khi không có dịch bệnh. 

Theo lý giải của Sở, trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát (khoảng tháng 4/2021), do tính chất cấp thiết phục vụ cho công tác khám chữa bệnh của bệnh viện; đồng thời dịch bệnh xảy ra chưa có tiền lệ, chưa lường trước được tình hình diễn biến dịch cho nên đơn vị cũng không thể ước lượng số lượng, chủng loại cần mua, đơn giá thay đổi từng thời điểm...  chỉ mua theo nhu cầu hoạt động của đơn vị.

Do đó, không mang tính chất chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu rút gọn vì “việc triển khai ngay gói thầu để tránh nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng dân cư (bao gồm cả gói thầu xây lắp, hàng hóa, phi tư vấn và tư vấn) và mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để phòng, chống dịch Covid-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu mà không phụ thuộc vào hạn mức (giá) gói thầu".

Văn bản của Sở Tài chính có đoạn nêu: “Tất cả các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục trình phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm phòng chống dịch đều được báo cáo, trình bày trước Tổ Chỉ đạo, điều hành, Tổ Tài chính, hậu cần Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 và được ý kiến thống nhất của tất cả thành viên của Tổ khi tổ chức thực hiện”. 

Về việc mua sắm theo hình thức chỉ định thầu đã được thông qua và thống nhất của Tập thể Ban Thường vụ Thành ủy; Ban Cán sự Đảng UBND TP, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm có dịch.

“Như vậy, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm trong quá trình lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa như nêu trên, cho thấy trách nhiệm thực hiện mua sắm theo đúng quy định hiện hành, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước... đồng thời, bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả là trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị trực tiếp mua sắm, không thuộc trách nhiệm của Sở Tài chính”, văn bản nêu. 

Trong văn bản gửi UBND TP Cần Thơ, Sở Tài chính còn cho rằng, đối với nhận định “những hạn chế thiếu sót, sai phạm qua công tác thanh tra” cần xem xét trách nhiệm của Thanh tra thành phố trong việc theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện mua sắm theo đúng trình tự thủ tục quy định đã được phân công thành viên trong tổ chỉ đạo, điều hành, giải quyết mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch Covid-19… 

Sở Tài chính đề nghị UBND TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp thông qua lại kết luận thanh tra với sự tham gia của các thành viên tổ tài chính, hậu cần Sở Chỉ huy phòng, chống dịch và các đơn vị mà thanh tra thành phố thực hiện thanh tra để các đơn vị được giải trình, nêu chính kiến, báo cáo cơ sở pháp lý đã áp dụng thực hiện trước đây. 

Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ kiến nghị UBND TP chỉ đạo Thanh tra thành phố xem xét loại bỏ trách nhiệm của Sở.

Hoài Thanh