- Chị Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù, đột ngột qua đời do tại nạn ngày 25/4/2018, hưởng dương 47 tuổi.
Chị Nguyễn Hướng Dương sinh năm 1971 tại TP.HCM. Năm 25 tuổi chị mất đi đôi chân vì tai nạn giao thông. Vượt qua mặc cảm khuyết tật, chị Hướng Dương đứng dậy và bước đi trên đôi chân giả, gắn bó cuộc đời mình với người khiếm thị. Năm 2009, chị Dương ra mắt thư viện sách nói vì người khiếm thị. Đây cũng là thư viện sách nói đầu tiên ở Việt Nam.
Nguyễn Hướng Dương đọc "Cuốn theo chiều gió"
Những ngày đầu thành lập, thư viện sách nói đối mặt nhiều khó khăn về mặt bằng, không đủ chỗ lưu trữ sách và bảo quản băng đĩa đúng quy chuẩn, nhiều đĩa CD hư hỏng theo thời gian. Chị Hướng Dương vừa đảm nhiệm việc thu âm đưa sách tới người khiếm thị vừa vận động kinh phí phát triển thư viện. Ngoài thư viện sách nói, chị Dương còn sáng lập học bổng Hướng Dương, học bổng Ánh Sen... cho học sinh thiếu may mắn.
Với những đóng góp của mình, chị Nguyễn Hướng Dương được Chủ tịch Nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì; Trung ương Hội Người mù Việt Nam trao tặng huy chương “Vì hạnh phúc người mù” vì những công lao đóng góp cho người khiếm thị cả nước...
Lễ viếng chị Nguyễn Hướng Dương sẽ diễn ra vào ngày 27/4 tại trụ sở Thư viện sách nói dành cho người mù (quận 1, TP HCM). Lễ truy điệu và động quan diễn ra vào 7h ngày 28/4. Lễ hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Đa Phước, Bình Chánh. Gia đình bày tỏ nguyện vọng người viếng không phúng điếu.
Đứng dậy và bước đi sau biến cố cuộc đời
Năm 2014, chị Nguyễn Hướng Dương ra mắt phiên bản tái bản cuốn tự truyện "Đứng dậy và bước đi”. Cuốn tự truyện kể về nhiều nỗi đau mất mát nhưng không thiếu niềm tin yêu, sự lạc quan của cuộc đời.
Dù mất đi đôi chân ở tuổi 25, chị Dương vẫn mạnh mẽ, lạc quan. Chị cho rằng, điều quan trọng là mình vui vẻ chấp nhận tất cả những gì xảy ra với mình dù cho đó là tai nạn, bệnh tật, xui xẻo, đổ vỡ.
“Tôi cũng tin rằng bên trong con người mình có một nội lực tiềm tàng mà nếu mình biết vận dụng, khai thác nó một cách đúng đắn thì mình hoàn toàn có thể "vượt qua số phận", xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Cái này người xưa gọi là "đức năng thắng số"- nếu mình làm việc thiện, sống tử tế với mọi người thì số phận sẽ mỉm cười với mình thôi”.
Từ khi mất đi đôi chân, trải qua 9 lần lên bàn mổ để chỉnh sửa những thương tật, theo chị Dương đó là "đau đớn".
“Tôi cũng chẳng hiểu tại sao số phận lại quá khắc nghiệt với mình như vậy khi phải trải qua 9 lần lên bàn mổ chỉnh hình từ khi bị tai nạn đến nay mà lần nào cũng là cưa xương, xẻ thịt, đau đến tận xương tủy. Bây giờ nghĩ lại, tôi cững không hiểu làm sao mà mình có thể chịu đựng nổi những điểu tưởng chừng như vượt quá sức tưởng tượng như vậy” – chị nói.
Tuệ Minh