Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) đạt nhiều kết quả tốt. 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện còn 617 hộ nghèo, chiếm 2,19% (giảm 60 hộ), còn 921 hộ cận nghèo, chiếm 3,27% (giảm 16 hộ). Huyện phấn đấu đến cuối năm giảm tỷ lệ hộ nghèo về 2% (tương đương 438 hộ), cận nghèo về 2,5% (tương đương 508 hộ).

Năm 2024, số hộ nghèo của xã Vĩnh Hậu A (huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) giảm còn 16 hộ, chiếm tỷ lệ 0,67%; hộ cận nghèo còn 32 hộ, chiếm tỷ lệ 1,33%. Trong năm nay, xã đã hỗ trợ 12 hộ thoát nghèo và 34 hộ thoát cận nghèo, đạt và vượt kế hoạch đề ra. 

Tại địa phương này, năm nay 22 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được hỗ trợ tham gia các dự án chăn nuôi dê, lợn với tổng kinh phí hơn 504 triệu đồng. Trong số này có hộ bà Lâm Thị Thu (ấp 15), là hộ mới thoát nghèo. Nhà bà Thu được hỗ trợ 7 con lợn, 23 bao thức ăn. Bà còn được cán bộ nông nghiệp, thú y tập huấn kỹ thuật nuôi lợn. Sự hỗ trợ này không chỉ giúp gia đình bà Thu ổn định cuộc sống, mà còn tạo đà phát triển kinh tế bền vững.

W-A17 NG VAN TRÌNH X TIẾN LỰC VV GQVL_9471.jpg
Các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế mang tính căn cơ, thiết thực, giúp người nghèo tự chủ kinh tế bền vững.

Tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hoà Bình, gia đình ông Sơn Minh (ấp Vĩnh Thạnh) là hộ dân tộc Khmer nghèo, nhà đông người, cuộc sống quanh năm dựa vào việc làm thuê. Tháng 11, gia đình ông vừa được chính quyền cấp cho 150 con gà thịt để nuôi, làm sinh kế động viên ông nỗ lực vươn lên. Gia đình ông được hỗ trợ 12 bao thức ăn và được cán bộ địa phương tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi để gà phát triển tốt, hạn chế bệnh. 

Được hỗ trợ con giống, thức ăn, gia đình ông phấn khởi, tiến hành làm chuồng trại, rào chắn cẩn thận. Ai nấy đều nhắc nhở nhau chăm sóc đàn gà thật tốt, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn gà để chuẩn bị xuất bán vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Sinh kế là đàn gà không chỉ mở ra cơ hội tăng thu nhập, mà còn tạo điều kiện để tiếp tục tái đàn, tăng đàn, là cơ hội để ông Minh tạo đà phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.  

Ngoài mô hình trao gà thịt cho bà con hộ nghèo, để phù hợp với nhu cầu và điều kiện từng hộ nghèo, cận nghèo, xã Vĩnh Hậu trao phương tiện sản xuất như máy ép nước mía, tủ đông trị giá 10 triệu đồng/hộ. Đồng thời, hai dự án chủ lực là nuôi dê sinh sản và nuôi lợn thịt thuộc Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cũng được xã triển khai.

Trong đó, với mô hình nuôi dê, 9 hộ được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 140 triệu đồng. Đây được coi là "lối đi thoát nghèo" được kỳ vọng cao bởi tính hiệu quả. Dê là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, xây dựng chuồng trại cũng đơn giản nên phù hợp với những hộ ít vốn.

Để hỗ trợ người dân yên tâm tham gia, ngay từ khi bắt đầu triển khai, cam kết đồng hành được đưa ra đến khi xuất bán dê. Tính toán sơ bộ, nguồn thu nhập từ chăm nuôi, xuất bán dê đem lại hi vọng cải thiện đời sống, tạo điều kiện để các hộ tiếp tục tái đầu tư cho đợt chăn nuôi tiếp theo.

Nuôi trâu cũng là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với hộ nghèo, cận nghèo. Mô hình có thể sử dụng nguồn lao động ở các độ tuổi, tận dụng thời gian nhàn rỗi của lao động, trong khi nguồn thức ăn dồi dào sẵn có, chi phí chăn nuôi thấp, giá thành thương phẩm cao.

Năm 2024, ông Nguyễn Văn Kiệt (ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình) được hỗ trợ con trâu giống trị giá 18 triệu đồng, ông rất phấn khởi và hi vọng sinh kế này giúp "cơ nghiệp" ông đỡ vất vả.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoà Bình, năm nay, nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giao cho huyền là hơn 8,8 tỷ đồng. Cùng với các dự án, mô hình thuộc chương trình đã được triển khai các năm trước, nguồn vốn năm 2024 giúp huyện có điều kiện "ra quân" nhiều hình thức hỗ trợ bà con nghèo, cận nghèo tham gia dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...

Điều đáng nói, các dự án hỗ trợ này đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình, địa phương. Họ cũng được tập huấn áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, vùng sản xuất tập trung để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập.

Điển hình như mô hình nuôi trồng rau má, rất phù hợp với người nghèo ít đất sản xuất. Người dân có thể tận dụng đất trống, bờ ruộng để trồng. Sau khi gieo trồng khoảng 30 - 40 ngày, bà con có thể bắt đầu thu hoạch, tiếp tục thu hoạch nhiều lần trong năm.