Rác từ đất liền trôi theo sông ra biển gây ô nhiễm trắng thực sự đáng báo động không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia đang phát triển. Bảo vệ môi trường biển và hải đảo nói riêng, làm sống lại các đại dương xanh nói chung bắt đầu từ chính các việc làm nhỏ nhất của mỗi chúng ta.

Rác thải nhựa thực sự gây nhức nhối

Theo bà Kim Thị Thúy Ngọc, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát ô nhiễm rác thải nhựa, Viện đang đề xuất xây dựng dự án về giám sát ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

Ô nhiễm rác thải nhựa đang được thế giới đánh giá là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường.

“Điều đáng lo ngại hơn, chỉ 12% số rác thải nhựa trên được đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Trong khi đó, với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, thì đến năm 2050 trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường, gây ra “ô nhiễm trắng” đối với môi trường toàn cầu”, bà Ngọc đánh giá.

Cũng theo bà Ngọc, mặc dù nhà nước đã có các chính sách khuyến khích hoạt động tái chế chất thải bao gồm các ưu đãi về đất đai, thuế và lệ phí, hỗ trợ vốn đầu tư, trợ giá về sản phẩm cũng như các dịch vụ bảo vệ môi trường (BVMT) từ cấp Trung ương cho tới cấp địa phương. Tuy nhiên, các quy định pháp luật trong Luật BVMT 2020 lại chưa có hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện.

Một điều khá trái khoáy ở Việt Nam là, dù chính quyền đã và đang triển khai nhiều sáng kiến về quản lý chất thải nhựa, tuy nhiên, trên thực tế người dân vẫn chưa ý thức được hết tác hại của rác thải nhựa nên vẫn “hồn nhiên” sử dụng và phát thải, trong đó rác thải nhựa sử dụng một lần không những giảm thiểu mà có chiều hướng tăng lên. Các mô hình giảm thiểu chất thải nhựa vẫn mang tính trình diễn và cần hỗ trợ về chính sách, tài chính để nhân rộng trong tương lai chưa chưa đi vào thực tiễn.

img 0627.jpg
Rác từ đất liền trôi theo sông ra biển gây ô nhiễm trắng thực sự đáng báo động không chỉ ở Việt Nam. 

“Điều dễ nhận thấy nhất là phần lớn chất thải chưa được phân loại tại nguồn, chương trình phân loại ở các địa phương mới chỉ thực hiện thử nghiệm, chưa có tính đồng bộ và chính thức hoá. Các hoạt động tái chế được thực hiện chủ yếu có quy mô nhỏ, manh mún; năng lực giám sát còn yếu kém và thiếu cơ sở dữ liệu thông tin về ô nhiễm nhựa. Có thể nói rác thải nhựa ở Việt Nam đang thực sự nhức nhối và ô nhiễm trắng biển khơi đang là hệ quả tất yếu”, bà Ngọc lo lắng.

Đề xuất xây dựng dự án về giám sát ô nhiễm nhựa

Đứng ở góc độ xây dựng chính sách, TS. Nguyễn Trung Thắng, Viện phó Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường nhận định, ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hệ lụy cho nhân loại trong tương lai. Riêng tại Việt Nam, công tác giám sát về tình trạng ô nhiễm nhựa cần được quan tâm hơn nữa nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của ô nhiễm từ rác thải nhựa nói chung, từ đó tiến tới hoàn thiện mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

“Theo đó, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với UNEP xây dựng đề xuất dự án “Tăng cường năng lực quản lý ô nhiễm chất thải nhựa tại Việt Nam”. Dự án bao gồm 2 hợp phần: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm nhựa thông qua thúc đẩy các hoạt động giám sát ô nhiễm nhựa tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin cho quá trình quản lý và xây dựng chính sách; tăng cường quản lý chuỗi giá trị chất thải nhựa tại các tỉnh có lưu vực sông được lựa chọn tại Việt Nam thông qua thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn và các giải pháp sáng tạo để ngăn ngừa chất thải nhựa tại nguồn”, TS Thắng chia sẻ.

Có điểm đáng lưu ý trong dự án này là sẽ có thêm hạng mục giám sát chất thải nhựa trên sông; áp dụng các công cụ giám sát ô nhiễm nhựa tại các lưu vực sông được chọn; xây dựng cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa biển (dữ liệu giám sát dựa trên website); tăng cường hợp tác giữa các đối tác/sáng kiến về giám sát nhựa. Cùng với đó, tăng cường nhận thức về phân loại rác tại nguồn; thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn cho quản lý chất thải rắn tại các lưu vực sông được chọn.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV