Phát biểu tại buổi lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Trên thế giới cứ 10 trẻ sinh ra có 1 trẻ sinh non và Việt Nam cũng vậy. Theo báo cáo, tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh.
Những nguyên nhân chính gây nên tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là do: Đẻ non/thấp cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/nhẹ cân chiếm tới 25%, nguyên nhân này có thể phòng tránh được bằng các biện pháp thực hành đơn giản như: Phụ nữ có thai cần được khám thai định kỳ để phát hiện các nguy cơ, các bất thường, các bệnh lý; ăn uống chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng và hợp lý, lao động/luyện tập phù hợp; chăm sóc da kề da và cho trẻ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn, chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo…
Phát biểu tại sự kiện, bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam khẳng định "sự cần thiết phải giảm thiểu sự chênh lệch trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Trẻ sinh non phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, vì vậy việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng một cách kịp thời và công bằng mang yếu tố then chốt nhằm nâng cao khả năng sống sót và đảm bảo sức khỏe lâu dài cũng như phúc lợi cho các em“.
Bà nhấn mạnh, "khi chúng ta tôn vinh sự kiên cường của các trẻ sinh non và gia đình, chúng ta cũng tưởng nhớ đến những trẻ sinh non đã mất vì những biến chứng có thể phòng tránh được, một lần nữa nhấn mạnh tính cấp bách của công việc mà chúng ta đang thực hiện".
Cũng tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng kêu gọi “ Để giảm tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân, góp phần giảm tử vong trẻ sơ sinh, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành Y tế thì rất cần sự phối hợp của các Bộ/Ngành, cấp ủy/chính quyền địa phương; sự chung tay của toàn thể cộng đồng, ý thức và thực hiện chăm sóc sức khỏe của phụ nữ có thai; cùng với sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp từ truyền thông, đến việc chăm sóc phụ nữ có thai, dự phòng sinh non và chăm sóc/điều trị cho trẻ sinh non toàn diện”.