Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kỳ vọng, với sự chung tay hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com sẽ tạo thêm một kênh phân phối cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, thúc đẩy giao thương hàng hóa, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.

Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải, thương mại điện tử xuyên biên giới là một thách thức lớn, doanh nghiệp làm thương mại điện tử xuyên biên giới cần hiểu biết các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa của thị trường nước nhập khẩu, quy trình vận hành logistics xuyên biên giới, đồng thời tập trung xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh...

{keywords}
Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Trung Quốc

Đây là gian hàng Việt Nam đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử quốc tế, nơi các sản phẩm Việt của các doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tham gia gian hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính, quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu.

Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt tổ chức phân phối trên “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” theo đúng quy định của nền tảng thương mại điện tử, của luật pháp tại nước nhập khẩu.

Theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), dù ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 do dịch Covid-19 nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng tận dụng xu thế tiêu dùng qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để tăng xuất khẩu hàng hóa.

Đáng lưu ý, doanh thu thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Điều này cho thấy xu hướng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới là tất yếu và dung lượng thị trường rất lớn.

Lê Thúy