Tổng thu nhập 20 triệu đồng/tháng nhưng chỉ được đóng BHXH trên mức lương cơ bản 5,5 triệu đồng/tháng nên sau khi nghỉ việc, ông Nguyễn Quốc Bình - điều dưỡng trưởng của một bệnh viện quốc tế tại quận 2, TP HCM - đã khởi kiện ra tòa do thấy bị thiệt. Trong phiên xử mới đây, TAND quận 2 đã tuyên buộc bệnh viện phải truy đóng số tiền BHXH chênh lệch cho ông Bình.
Lương một đằng, đóng BHXH một nẻo
Ông Bình cho biết ông và bệnh viện ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định 12 tháng (từ ngày 12-11-2013 đến 11-11-2014). Theo HĐLĐ, tổng thu nhập ông Bình được nhận là 20 triệu đồng/tháng. Sau khi hết hạn hợp đồng, ông tiếp tục làm việc tại bệnh viện nhưng không ký HĐLĐ mới. "Trong suốt quá trình làm việc tại đây, tiền lương của tôi luôn được nhận đúng theo thỏa thuận, song đến khi nghỉ việc (ngày 10-3-2016), tôi mới biết bệnh viện chỉ đóng BHXH cho tôi trên mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Làm như vậy, bệnh viện đã gây thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi về BHXH của tôi. Do vậy, tôi quyết định kiện ra tòa để đòi công bằng" - ông Bình chia sẻ.
Trình bày tại tòa, đại diện bệnh viện lý giải tổng thu nhập 20 triệu đồng mà ông Bình nhận hằng tháng bao gồm lương cơ bản (5,5 triệu đồng/tháng) và các khoản khác về chế độ, phúc lợi tại bệnh viện như: tiền ăn, hỗ trợ xăng xe, tiền điện thoại, tiền nhà ở... "Bệnh viện đã căn cứ theo quy định tại điều 5 Luật BHXH năm 2006 và Nghị định 152/2006/NĐ-CP để thực hiện đóng BHXH cho ông Bình, tức đóng BHXH dựa trên mức tiền lương và tiền công ghi trong HĐLĐ. Số tiền còn lại chúng tôi đã trả đầy đủ cho ông Bình. Do đó, không thể nói bệnh viện vi phạm pháp luật được" - đại diện bệnh viện khẳng định.
Phiên xử một vụ án lao động tại TAND TP HCM |
Tuy nhiên, lập luận của đại diện bệnh viện không được tòa đồng tình. Theo hội đồng xét xử, trước thời điểm 1-1-2016, bệnh viện đóng BHXH cho ông Bình với mức lương ghi trong HĐLĐ 5,5 triệu đồng/tháng là phù hợp với quy định của Luật BHXH năm 2006. Song kể từ khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2016) thì quy định về tiền lương căn cứ đóng BHXH đã thay đổi. Theo đó, đối với người lao động (NLĐ) đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Mặt khác, tại HĐLĐ thể hiện tổng thu nhập của ông Bình là 20 triệu đồng/tháng, còn phiếu lương thể hiện lương cơ bản 5,5 triệu đồng; lương và phụ cấp 20 triệu đồng. Tổng thu nhập ghi trong HĐLĐ chính là lương và phụ cấp. Do đó, bệnh viện phải điều chỉnh mức tiền lương đóng BHXH từ tháng 1 đến tháng 3-2016 cho ông Bình trên cơ sở mức lương 20 triệu đồng/tháng.
Lách cũng khó thoát
Cũng kiện doanh nghiệp (DN) ra tòa vì đóng BHXH không đúng quy định là trường hợp của ông Phạm Hoàng Thái, kỹ sư phần mềm thuộc Công ty O.S (quận 1, TP HCM).
Theo đó, ông Thái đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn và phụ lục HĐLĐ về tiền phụ cấp với công ty vào ngày 2-1-2016. Căn cứ phụ lục hợp đồng, tổng mức lương của ông Thái là 18 triệu đồng/tháng, trong đó gồm: tiền lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng và phụ cấp công việc 13 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ đóng BHXH cho ông trên nền lương cơ bản là 5 triệu đồng/tháng. Cho rằng DN thực hiện chưa đúng quy định về trích nộp BHXH, mới đây, ông Thái đã kiện đòi công ty phải truy đóng BHXH cho ông trên mức lương thực nhận. Tại phiên xử do TAND quận 1, TP HCM tổ chức, căn cứ Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, hội đồng xét xử xác định các khoản phải đóng BHXH cho ông Thái là 17.320.000 (bao gồm lương, phụ cấp) và buộc công ty phải truy đóng số tiền BHXH còn thiếu cho ông.
Lương một đằng, đóng BHXH một nẻo cũng là tình trạng mà các nhân viên đang làm việc tại Công ty CP I.T.R (quận 1) đang gặp phải. Anh Nguyễn Ngọc Khoa, trưởng phòng tư vấn của công ty, cho biết theo thư tuyển dụng, anh được nhận mức lương 18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương thể hiện trong HĐLĐ chỉ có 4,3 triệu đồng/tháng. "Khi tôi thắc mắc thì được công ty trả lời tất cả nhân viên đều ký HĐLĐ với mức lương như vậy để đóng BHXH, còn mức lương thực nhận công ty vẫn trả đủ theo cam kết. Tôi không đồng tình với việc làm này vì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi sau này của tôi" - anh Khoa bày tỏ. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Giao Châu, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty CP I.T.R, thừa nhận do DN mới thành lập 2 năm và còn gặp nhiều khó khăn nên đã thỏa thuận với NLĐ đóng BHXH thấp hơn mức lương thực lãnh. "Khi ký HĐLĐ, NLĐ cũng đã đồng ý nội dung thỏa thuận trên. Hơn nữa, cơ quan BHXH cũng không có ý kiến gì về mức đóng BHXH của DN, vậy thì cớ gì NLĐ lại khiếu nại?" - bà Châu đặt vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP HCM: Truy thu, xử phạt DN sai phạm Khi thực hiện giao dịch BHXH điện tử qua mạng, DN phải tự kê khai, tự chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, cơ quan BHXH sẽ thu BHXH theo số tiền DN kê khai. Nhưng sau đó nếu phát sinh khiếu nại của NLĐ hoặc qua công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng có phát hiện sai phạm, DN sẽ bị truy thu, xử phạt theo quy định pháp luật. Tình trạng DN trả lương cho NLĐ cao nhưng đóng BHXH thấp xảy ra rất phổ biến hiện nay, nguyên nhân cũng có một phần lỗi của NLĐ. Nhiều NLĐ biết rõ hành vi vi phạm của DN nhưng không phản ứng chỉ vì cái lợi trước mắt. Thế nhưng, sau khi nghỉ việc thì NLĐ quay lại khiếu nại hoặc khởi kiện DN ra tòa đòi quyền lợi. Bản thân NLĐ cũng cần phải hiểu và chấp hành đúng quy định pháp luật. |
(Theo NLĐ)