- "Nếu khâu coi thi và chấm thi để các trường tham gia thì sẽ có ý thức công bằng cho thí sinh cao hơn, họ cũng không có những mối quan hệ như người ở địa phương” - ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bày tỏ sau những lùm xùm về gian lận thi cử đang bị phát giác.
Chật vật tự chủ tuyển sinh
Kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT chủ trương dùng để xét tuyển tốt nghiệp THPTvà các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả để tuyển sinh. Mặc dù đã được tự chủ tuyển sinh nhưng số lượng trường tuyển sinh bằng phương án riêng đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thí sinh thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM |
Từ năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Đến năm 2017, đại học này dừng tổ chức kỳ thi này với lý do, những đổi mới trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT đã cơ bản gần với định hướng, triết lý của đổi mới tuyển sinh ở bài thi đánh giá năng lực chung.
Trường ĐH Luật TP.HCM lên phương án tuyển sinh bằng kỳ thi đánh giá năng lực riêng từ năm 2015 và phương án này được thực hiện từ năm 2016, với kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, vòng sơ loại của trường vẫn dựa trên kết quả thi THPT quốc gia và điểm học bạ.
Năm 2018, lần đầu tiên ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kì thi đánh giá năng lực. Bước đầu, kỳ thi này của ĐH Quốc gia TP.HCM được cho là “ế khách”. ĐH này đặt ra mục tiêu tuyển khoảng 2.500 chỉ tiêu cho các trường thành viên của mình (trong đó Trường ĐH Bách khoa tuyển 10% chỉ tiêu; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển tối đa 12%; Trường ĐH Kinh tế - Luật tuyển tối đa 10%; Trường ĐH Khoa học tự nhiên tuyển tối đa 20%; Trường ĐH Công nghệ thông tin tuyển 15%; Trường ĐH Quốc tế 10%). Thực tế chỉ hơn 4.000 thí sinh đăng ký dự thi. Ngoài dùng kết quả của "trường mẹ", các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn có thêm nhiều phương án tuyển sinh, trong đó phần lớn chỉ tiêu là xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia (trừ Trường ĐH Quốc tế tuyển sinh chủ yếu từ kỳ thi đánh giá năng lực riêng).
Dấu hiệu khả quan hơn cả có lẽ là Trường ĐH Quốc tế. Năm 2017, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) thực hiện tuyển sinh riêng bằng kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển 35% chỉ tiêu. Một năm, sau kỳ thi đánh giá năng lực của trường này được sử dụng xét tuyển 65% tổng chỉ tiêu. Số thí sinh đăng ký dự thi đã tăng hơn hơn 6.000 em, gấp 3 lần so với năm đầu tiên.
Tại cuộc họp báo công bố tuyển sinh, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, các trường đang và sẽ phải giải đáp câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cách đây mấy năm "Giả sử ngày mai không còn thi THPT quốc gia thì các trường lấy cái gì để tuyển sinh?”. Theo ông Nghĩa, hiện nay các trường luôn có tới 4 - 5 phương thức tuyển sinh nhưng "vẫn rất căng" và không tuyển đủ thí sinh, còn phương thức xét tuyển từ kì thi THPT quốc gia là chủ yếu phụ thuộc quá nhiều vào Bộ GD-ĐT.
Có thể nói, đây là những đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện chủ trương khuyến khích các trường tự chủ tuyển sinh.
Còn phần lớn, việc các trường “rụt rè” trước khuyến khích của Bộ trong nhiều năm nay có nhiều lý do dễ hiểu. Nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga từng chia sẻ vào năm 2017, “tuyển sinh riêng có nhiều rủi ro nên các trường không muốn làm”.
Theo ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc các trường e dè trước khuyến khích xây dựng đề án tuyển sinh riêng không chỉ ở chuyện tốn kém mà vấn đề chính là kết quả có đạt được như mong muốn hay không.
“Ngay cả ĐHQG Hà Nội những năm trước xây dựng kỳ thi ĐGNL cũng chỉ tuyển được một lượng thí sinh không nhiều từ kỳ thi đó. Đôi khi các em dự thi chỉ để thử sức, sau đó trúng tuyển nhiều trường và chúng tôi không lường hết được các em sẽ đi đâu. Ví dụ như Bách khoa, với chỉ tiêu 6.000 thì cũng không thể gọi trúng tuyển lên đến 20 nghìn để dự trù rơi rớt - ông Tớp cho biết.
Trưởng phòng đào tạo một đại học phía Nam cho rằng, trường muốn tuyển sinh riêng nhưng tổ chức ra sao, cách thức thi tuyển như thế nào là điều rất khó khăn. “Ngay cả việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi đối với chúng tôi là điều không dễ, vì vậy nói thì muốn nhưng làm rất khó”- ông nói.
Giao khâu chấm thi cho trường đại học
“Thực hiện quy định của Luật Giáo dục Đại học, Bộ khuyến khích các trường tự chủ tuyển sinh, nhưng vấn đề là trong bối cảnh vẫn tồn tại kỳ thi THPT quốc gia để các trường có thể sử dụng kết quả thì “không dại gì” các trường lại ôm vào mình nhiệm vụ rất dễ bị “ném đá” này “– ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT nhận định.
Ông Ngọc cho rằng, nếu lại quay về thời các trường tự làm đề, tự tổ chức thi thì lại nảy sinh vấn đề luyện thi, vì mỗi trường có một “trường phái” ra đề khác nhau. Do vậy giải pháp tốt nhất là cải tiến kỳ thi quốc gia để các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả này để xét tuyển.
Theo ông Ngọc, khâu chấm bài thi trắc nghiệm có một kẽ hở lớn, đó là phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách. “Như vậy, quá dễ để biết đó là bài làm của ai”. Đồng thời việc để địa phương chấm thi chủ chốt cũng là một sơ hở. Đó là một áp lực lớn cho người làm công tác chấm thi”– ông Ngọc nói.
Ông Ngọc đề xuất, nên tổ chức chấm theo cụm do trường đại học chủ trì, nghĩa là sau khi thi xong thì niêm phong ngay túi bài thi để chuyển về chấm theo cụm nhằm tăng độ tin cậy ở khâu này. Ngoài ra, Bộ nên chuẩn hóa đề thi, tránh việc đề năm này quá dễ, năm kia quá khó. “Nên chăng bên cạnh ban ra đề cần có ban làm thử đề” – ông Ngọc nêu ý kiến.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết không lo ngại về chất lượng đầu vào của sinh viên trường mình.
“Với một trường đại học có hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tốt thì không ngại những thí sinh vào trường không phải bằng thực lực. Mỗi năm trường chúng tôi đuổi khoảng 300 em, trong đó có những em không đủ khả năng học. Nếu siết chặt bên trong thì sẽ đảm bảo chất lượng đầu ra” – ông Dũng nói.
Vị hiệu trường này cho rằng, chính khâu coi thi và chấm thi được thực hiện ở địa phương nên mới xảy ra những tiêu cực đang bị phanh phui. “Các trường đại học có ý thức công bằng cho thí sinh cao hơn và họ cũng không có những mối quan hệ như người ở địa phương”.
Ông Dũng không ủng hộ phương án để các trường tổ chức một kỳ thi riêng gây tốn kém và lãng phí, mà ủng hộ tiếp tục kỳ thi như hiện nay nhưng cần thêm các biện pháp ngăn ngừa gian lận.
“Ở bài thi trắc nghiệm, tôi đề xuất một giải pháp công nghệ rất dễ, đó là khi thí sinh nộp bài, giám thị chỉ cần dán một tờ giấy trong với một mặt có keo đè lên phần tô đảm bảo sao cho không thể gỡ ra được. Giải pháp này sẽ ngăn ngừa việc chỉnh sửa lên bài thi. Ở bài thi tự luận, những phần nào thí sinh bỏ giấy trắng thì phải có quy định gạch chéo phần đó để tránh bổ sung thêm vào bài”.
Theo ông Dũng, quan trọng nhất vẫn là giao cho các trường đại học coi thi và chấm thi để đảm bảo công bằng cho thí sinh. “Đừng nghĩ rằng thi tốt nghiệp thì giao cho các Sở. Ngày xưa để các Sở chấm chéo cũng từng có “liên minh ma quỷ”” – ông Dũng nói.
Ông Mai Văn Trinh trả lời báo chí lúc 23h đêm 21/7 về quá trình rà soát điểm thi bất thường ở Sơn La. Ảnh: Đoàn Bổng |
Để không có tình trạng các đại học phải nhận sinh viên được “phù phép” điểm thi như ở Hà Giang, bà Diệp Phương Chi, nghiên cứu sinh ngành Sư phạm nghề kĩ thuật, ĐH Kĩ thuật Dresden (CHLB Đức) đề xuất:
“Cần nâng cao công tác thanh tra bảo vệ tại kì thi. Việc chấm thi không nên để địa phương tự chấm thi mà giao cho các đại học chấm. Các đại học là những đơn vị dùng kết quả thi này để tuyển sinh nên chấm thi là một phương án khả thi. Ngoài ra việc thành lập các trung tâm khảo thí để chấm kết quả thi tốt nghiệp cũng là một giải pháp nhưng cần phải xem xét tới phương án chi phí”.
Đồng tình với vấn đề này, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho rằng, chương trình phổ thông được sử dụng chung cả nước nên vẫn cần kỳ thi THPT để đánh giá chất lượng chung. Nhưng dữ liệu từ kỳ đánh giá chung nên có phân tích theo nhiều khía cạnh để đưa ra giải pháp cho việc cải tiến chất lượng ở các địa phương, thậm chí ở từng trường THPT.
“Gian lận thi cử ở Hà Giang là những con sâu, nên thay đổi phương án tổ chức thi. Cụ thể, công tác thi vẫn do địa phương tổ chức và có sự phối hợp của các trường đại học, nhưng việc chấm thi trắc nghiệm nên tập trung theo khu vực và phân công người tham gia ban chấm thi theo cụm. Còn chấm tự luận có thể tập trung cắt phách, sau đó giao về tỉnh chấm”- ông Sơn đề xuất.
Còn về lâu dài, ông Sơn cho rằng, trong những năm tới nên nâng cấp các trung tâm khảo thí cấp quốc gia để có được đề thi chất lượng. Các trường đại học phải chủ động xây dựng phương án đánh giá chất lượng đầu vào, không trông vào kết quả của kỳ thi.
“Nhiều trường đã có những đợt đánh giá riêng kết hợp với kết quả kỳ thi để tuyển sinh, tuy nhiên không phải tất cả các trường đều đủ năng lực làm công tác này, nên thực sự vẫn rất cần những trung tâm khảo thí tầm cỡ quốc gia để thực hiện dịch vụ đánh giá cho các trường”.
Trong bài viết trên báo Tia Sáng ngày 4/7, TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, một chuyên gia khảo thí nhìn nhận khi kỳ thi quốc gia chỉ còn phục vụ mục đích tuyển sinh đại học thì việc kiểm soát độ khó, độ phân loại, và chất lượng đề thi tuyển sinh sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các trường đại học muốn sử dụng điểm thi tuyển sinh.
"Một khi chỉ còn một bài thi tuyển sinh đại học, tính chất bắt buộc của kỳ thi không còn. Người học có thể lựa chọn tham dự kỳ thi nếu muốn tiếp tục học ở bậc đại học. Cùng với việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh sẽ giảm, quy mô và gánh nặng kỳ thi cũng giảm tương ứng" - TS Quyên nhìn nhận.
Bà Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trưởng ĐH Luật TP.HCM cho biết đã góp ý rất nhiều về kỳ thi THPT quốc gia, ngay khi bà còn là thành viên ban soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Theo bà Quỳ, nếu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì chỉ nên mang tính địa phương, có nghĩa là các tỉnh tự đưa ra các tiêu chí và hình thức thi.
“Hiện nay, các trường được tổ chức kỳ thi riêng, nhưng lại không được phép tổ chức thi lại những môn trong kỳ thi THPT phổ thông quốc gia, nên các trường không làm được gì mà chỉ lấy kết quả thi THPT quốc gia. Đây là điều dẫn tới bất cập như ở Hà Giang”- bà Quỳ nhìn nhận.
Cần có những đầu tàu tự chủ tuyển sinh Phóng viên: Bộ giao việc tổ chức kỳ thi cho địa phương nhưng trên thực tế, kết quả thi lại được các em sử dụng để xét tuyển ĐH, CĐ – tức là mang đi cạnh tranh với thí sinh cả nước. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong kỳ thi? Nhà giáo Vũ Anh Tuấn: Chủ trương của Bộ ngay từ đầu có nhiều ưu điểm là tiết kiệm về tiền bạc và công sức. Thực ra ở mình rất khó nói khi đánh đồng tính chất của kỳ thi này với kỳ thi kia, nên sẽ dẫn đến chuyện các địa phương sẽ sử dụng xảo thuật để cạnh tranh với nhau. Nhưng theo tôi, không nên quay trở lại thi như ngày xưa, mà chỉ nên rút kinh nghiệm. Sự bất thường trong kết quả thi của Hà Giang có phải là một dấu hiệu thúc đẩy các trường đại học cần phải có phương án tuyển sinh riêng cho mình? Nhà giáo Vũ Anh Tuấn: Chắc chắn đây là sự thúc đẩy các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh và các trường có lẽ cũng đã có dự tính của mình. Hiện nay Bộ đã giao các trường tự chủ, nhưng một số trường tự chủ được, còn đa số các trường vẫn dựa vào kỳ thi của Bộ. Việc có tự chủ được hay không phụ thuộc vào năng lực các trường. Tôi tin rằng, trong tương lai, các trường sẽ không dựa vào kết quả này để tuyển sinh nữa, mà sẽ tách ra dần. Và cần phải có những trường đầu tàu đi trước để các trường khác đi theo. NGƯT. TS Vũ Anh Tuấn – nguyên chuyên viên cao cấp môn Hóa học, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT
|
Nguyễn Thảo - Lê Huyền
Chấm thẩm định bài thi THPT quốc gia tại Hoà Bình, Lâm Đồng, Bến Tre
3 tổ chấm thẩm định bài thi THPT quốc gia 2018 đã triển khai chấm thẩm định tại các hội đồng thi Tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre từ ngày 21/7.
Công an xác định Sơn La vi phạm quy chế thi THPT quốc gia
23h đêm 21/7, đại diện Bộ GD-ĐT xác nhận có dấu hiệu thay đổi kết quả ở khâu chấm thi; tổ công tác hiện đang chấm thẩm định môn Ngữ văn.
Bộ trưởng Giáo dục yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát việc coi thi, chấm thi THPT quốc gia
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi nhất là khâu coi thi, chấm thi.
Hậu Giang, Cao Bằng vượt trội điểm 9 môn Ngữ văn thi THPT quốc gia
Hậu Giang và Cao Bằng là hai địa phương có điểm 9 môn Ngữ văn vượt trội trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Mệnh lệnh nào buộc phải truy tìm gian lận thi THPT quốc gia ở Hà Giang?
Trong khi robot Sophia đang diễn thuyết cảnh báo nguy cơ tụt hậu “cách mạng 4.0” thì những người “tay ngang” hoặc thành thạo Excel đang dò dẫm theo những dấu vết nhỏ để lần tìm tiếp nghi vấn gian lận thi cử ở Hà Giang.
Công bố sai phạm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang
Phó Phòng Khảo thí của Sở GD-ĐT Hà Giang đã sửa hơn 330 bài thi của 114 thí sinh. Mỗi bài thi được sửa trong 6 giây, hưởng "khống" mỗi bài từ 1 đến 8,75 điểm.