Hàng chục doanh nghiệp gian lận xuất xứ

Tổng cục Hải quan đánh giá: Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính quyền Mỹ chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế (gồm thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu) lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 7,5-285% dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như: đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời.

Ông Trần Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, cho biết: Toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.

{keywords}
Mặt hàng xe đạp bị phát hiện gian lận xuất xứ

Qua đó, đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm; thu hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).

Bằng việc kiểm tra sau thông quan, Cục Kiểm tra sau thông quan phát hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa gian lận xuất xứ.

Đối với nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện, hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 4 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ. Kết quả phát hiện 4/4 doanh nghiệp vi phạm xuất xứ.

Các doanh nghiệp này nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa (như gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in Label cho một số sản phẩm) để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh và toàn bộ linh kiện trực tiếp chuyển hóa thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh.

Những sản phẩm này không đủ điều kiện đạt xuất xứ “Việt Nam” theo tiêu chí chuyển đổi mã số (CTC, CTSH) và tiêu chí phần trăm của trị giá (LVC) theo quy định.

Đối với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 5 doanh nghiệp. Kết quả phát hiện cả 5 doanh nghiệp vi phạm xuất xứ.

Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu tấm module năng lượng mặt trời được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là các tấm tế bào quang điện được doanh nghiệp mua từ các nhà cung cấp sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, các tấm Module năng lượng mặt trời xuất khẩu của doanh nghiệp được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài không đáp ứng tiêu chí xuất xứ CTSH để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo quy định.

Đối với nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ, hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 12 doanh nghiệp. Kết quả phát hiện vi phạm xuất xứ tại cả 12 doanh nghiệp.

{keywords}
Phát hiện nhiều hàng hóa gian lận xuất xứ để xuất khẩu.

Những doanh nghiệp này nhập khẩu (hoặc mua lại từ hàng nhập khẩu) dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc nhập khẩu ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (khoan lỗ, chà nhám và sơn) lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh (tủ, giá sách, giường, bàn sofa, bàn trà, bàn cocktail,) không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ và Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 của Bộ Công Thương.

Ngang nhiên "mạo danh" cấp Giấy chứng nhận xuất xứ

Đáng chú ý, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện 1 doanh nghiệp  không được Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp ủy quyền để thực hiện việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng vẫn tự phát hành C/O cho nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, cho hay: Doanh nghiệp này tự thiết kế mẫu C/O, nhận thông tin về lô hàng xuất khẩu để phát hành số lượng lớn C/O cho hơn 30 doanh nghiệp ở nhiều tỉnh thành để các doanh nghiệp này xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu được doanh nghiệp này cấp C/O là trên 600 tỷ đồng.

Hiện Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu khẩn trương chủ động tiến hành làm rõ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát, mở rộng điều tra để xử lý đối với các trường hợp tương tự.

Lương Bằng

Chống gian lận xuất xứ, bảo vệ hàng Việt

Chống gian lận xuất xứ, bảo vệ hàng Việt

Tháng 11, hé lộ về kho nhôm hơn 3,8 tỷ USD nguồn gốc Trung Quốc ‘âm mưu’ gian lận xuất xứ, đội lốt hàng Việt để xuất đi Mỹ bị chặn đứng đã làm mọi người giật mình.