Theo Sohu, sự việc diễn ra trong một đám cưới ở Quảng Đông. Trong video, hôn lễ được tổ chức tại một khách sạn rất long trọng, chú rể quỳ gối, trên tay cầm bó hoa và hét lớn "Gả cho anh nhé". Tuy nhiên cô dâu không nói câu gì, cũng không tỏ vẻ đồng ý hay từ chối.
Sau mấy lần như vậy, chú rể tức giận ném hoa ngay tại hôn trường, thất vọng bỏ đi. Mọi người trong hôn lễ rất ngạc nhiên. Còn cô dâu lúc này chỉ thờ ơ nhìn theo.
Theo Sohu, chú rể đã đưa sính lễ cho gia đình cô dâu. Tuy nhiên sát ngày cưới cô dâu đòi thêm 200.000 tệ (hơn 670 triệu đồng) nhưng chú rể không đồng ý. Điều này khiến cô dâu không hài lòng, nên cố tình gây khó dễ cho chú rể.
Video lan rộng trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người phê phán hành động của cô dâu và còn gọi là cô là "trơ như khúc gỗ".
Tiền thách cưới quá cao khiến đàn ông Trung Quốc khó lấy vợ
Thách cưới - tiền, nhà và các hàng hóa khác trả cho bố mẹ cô dâu - là một phần trong thủ tục hôn lễ ở hầu hết các địa phương tại Trung Quốc nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, các chi phí này ngày càng cao khi Trung Quốc đối mặt với tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học lớn nhất trong lịch sử.
Chính sách một con, cộng với tâm lý ưa thích con trai, dẫn tới hệ quả dư thừa tới trên 30 triệu nam giới ở nước này. Theo Washington Post, sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc thập kỷ qua càng khiến sự mất cân bằng giới tính tăng lên ở các vùng nông thôn.
Để cưới được vợ, các chú rể ở vùng Da'anliu, tỉnh Hồ Bắc phải chi đến 38.000 USD, gấp 5 lần lương trung bình một năm của một người tại đây. Vì thế, chính quyền địa phương đã quy định áp mức giá cao nhất là 2.900 đôla, để tránh việc nhà gái thách cưới cao. Nếu vượt mức này thì có thể bị coi là buôn người.
Việc này có lợi cho các gia đình có con trai nhưng lại không tốt với những nhà có con gái. Liang, một nông dân trồng lê ở Da'anliu, có con gái đến tuổi cập kê. "Tôi sẽ yêu cầu giá nào tôi muốn. Làm thế là không công bằng", ông bày tỏ.
Liang nói rằng vấn đề không phải chỉ là chuyện tiền bạc. Ông định sẽ cho con gái tất cả số tiền mình thách cưới khi cô lên xe hoa. Ông cho rằng, đó là thị trường, ông có quyền đặt giá cho những quả lê thì tại sao lại không có quyền đặt giá cho ai muốn lấy con gái mình?
Wang Feng, một nhà xã hội học nghiên cứu về nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học California (Mỹ), cho biết, các gia đình phải chịu áp lực lớn trong việc xoay xở để con trai mình có cuộc hôn nhân tốt.
Bà cho rằng việc "bình ổn giá" là cách chữa triệu chứng, không phải biện pháp giải quyết gốc rễ vấn đề.
Theo Sức khỏe và Đời sống