Đóng cửa phiên giao dịch 24/2, chỉ số VN-Index giảm thêm 14,1 điểm xuống 1.039,56 điểm. Hôm 22/2, chỉ số này đã giảm gần 28 điểm.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán giảm mạnh xuống còn 6.536 tỷ đồng, mức thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng và e ngại ở vào thời điểm cuối tuần, chờ xem thứ 7 và Chủ Nhật có thông tin gì mới ra và có gây bất ngờ cho thị trường như thường thấy ở vào thời kỳ thị trường diễn biến xấu.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi cú hồi trong 10 phút cuối phiên giao dịch liền trước 23/2. Nhiều người cảnh giác không bán và cũng không mua dẫn tới giao dịch trên thị trường chứng khoán thêm ảm đạm.

Thị trường hiện cũng theo dõi sát diễn biến của 2 nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và bất động sản sau sự kiện Novaland của ông Bùi Thành Nhơn khất nợ lô trái phiếu trị giá 1000 tỷ đồng bất thành.

Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm. (Nguồn: FPTS)

Theo đó, CTCP Chứng khoán Dầu khí - doanh nghiệp đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý quản lý tài sản bảo đảm trái phiếu NVLH2123009 hôm 22/2 cho biết, trái chủ của lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng không đồng ý đề xuất của CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc No Va - Novaland (NVL), do vậy tài sản đảm bảo sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều này đồng nghĩa với việc kích hoạt các điều khoản về xử lý tài sản đảm bảo trong bộ điều khoản và điều kiện của trái phiếu.

Bên cạnh đó, khi một khoản nợ bị đánh giá mất khả năng thanh toán sẽ dẫn đến nguy cơ các khoản vay khác của Novaland tại ngân hàng sẽ bị chuyển nhóm nợ. Tới cuối năm 2022, Novaland có các khoản vay ngắn và dài hạn lên tới 64,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 11 nghìn tỷ đồng vay ngân hàng và khoảng 44,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Nhiều khoản NVL vay nợ VPBank, MBBank, Hàng hải, Vietinbank.

Sau sự kiện Novaland khất nợ trái phiếu, giới đầu tư đang chờ xem đại gia bất động sản này sẽ xử lý và tái cấu trúc doanh nghiệp như thế nào và ảnh hưởng của sự kiện tới hệ thống ngân hàng nói chung cũng như nhiều ngân hàng nói riêng ra sao.

Theo FIDT, tổng cộng có hàng chục nghìn tỷ đồng nợ của Novaland đáo hạn trong năm nay. Trong khi quý I là thời thấp điểm của các khoản nợ đáo hạn đối với NVL nhưng Tập đoàn đã cho thấy sự khó khăn trong việc xoay dòng tiền để trả nợ.

Dù vậy, trong nguy thường có cơ hội.

Những diễn biến giảm điểm mạnh trên thị trường chứng khoán gần đây nói chung và cổ phiếu Novaland (NVL) nói riêng đã phản ánh những khó khăn hiện tại của nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Thị trường chứng khoán thường đi trước diễn biến của doanh nghiệp và nền kinh tế khoảng 3-6 tháng.

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCP Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM, thị trường bất động sản có thể hồi phục sớm nhất vào cuối năm nay hoặc vào đầu năm 2024 khi lãi suất hạ xuống và thị trường bất động sản tạo đáy.

Trong khoảng nửa cuối năm 2023 có thể cân nhắc đầu tư vào cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tồn tại được qua suy thoái. Các cổ phiếu bất động sản được quan tâm trong đợt hồi phục đầu là doanh nghiệp có bảng cân đối tài sản tương đối lành mạnh, rủi ro tài chính thấp, vay nợ ở mức vừa phải, không có vay trái phiếu và có khả năng thanh toán các khoản nợ.

Các cổ phiếu bất động sản có bảng cân đối kế toán sạch được dự báo hồi phục nhanh. Còn các cổ phiếu có bảng cân đối xấu thì cần nhiều thời gian hơn.

Hiện tại, điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là thị trường bất động sản sẽ ra sao khi thanh khoản thấp, không bán được hàng, doanh nghiệp không có tiền triển khai dự án. Tình trạng đang giống như năm 2012-2013 và sau đó Nhà nước có gói kích cầu cho nhà ở xã hội.

Theo Chứng khoán CSI, thanh khoản thấp cho thấy tâm lý của giới đầu tư đang rất thận trọng. Ngưỡng hỗ trợ mạnh ở quanh mốc 970-980 điểm.