Tại trường Tiểu học Trần Phú, phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), việc áp dụng công nghệ thông tin đã được cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường thực hiện triệt để.

Đó là việc quản lý giáo dục đối với cán bộ, giáo viên thông qua việc tổ chức hội họp, duyệt giáo án điện tử; việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với giáo viên trong giảng dạy, soạn giáo án, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện cho học sinh và việc đóng góp, thu nộp các khoản thu trong trường học đối với nhân viên...

Để công tác chuyển đổi số, ứng dụng trong công tác quản lý, dạy và học được thuận lợi, đồng bộ, Trường Tiểu học Trần Phú đã đầu tư máy tính kết nối internet cho các phòng bộ môn, phòng chức năng và các phòng học đều được lắp đặt ti vi thông minh để giáo viên khai thác giảng dạy.

Qua đó, giáo viên được giảng dạy dưới nhiều phương pháp, hình thức khác nhau, cùng những hình ảnh trực quan, kiến thức trở lên sinh động hơn, giúp các em tiếp thu nhanh, hứng thú với những bài giảng hiệu quả.

Cô giáo Phan Thị Trang, giáo viên lớp 3G, Trường Tiểu học Trần Phú cho biết: Việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đã tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh rất nhiều.

Mỗi giáo viên qua phương tiện là máy tính để tìm hiểu, lựa chọn những bài giảng sinh động nhằm truyền tải đến các em học sinh những kiến thức dễ nhớ, dễ thuộc.

Đơn cử như giờ học âm nhạc, với việc kết nối các bài hát, hình ảnh trên mạng Internet, giúp cô và trò thêm hào hứng, phấn khởi, giúp tiết học hiệu quả hơn. 

Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Trần Phú có trên 1.500 học sinh ở 38 lớp, là một trong số ít trường tiểu học có số lượng học sinh đông nhất tỉnh.

Cô giáo Hà Thị Tâm, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Với số lượng học sinh đông như vậy, nếu quản lý bằng sổ sách, giấy tờ như trước đây sẽ rất vất vả cho cán bộ, giáo viên và nhân viên.

Với việc ứng dụng CNTT, hiện tất cả các hoạt động quản lý và giáo dục tại trường đều được quản lý thông qua hệ thống mạng, được kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung với các phần mềm nghiệp vụ của ngành Giáo dục, như phần mềm quản lý nhà trường, quản lý tài chính, học sinh, sức khỏe, bảo hiểm y tế...

Hiện nay, Trường Tiểu học Trần Phú có đầy đủ các điều kiện để ngày càng làm tốt công tác chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy. Các cán bộ được tập huấn và sử dụng thành thạo các phần mềm để quản lý tài chính, sử dụng chữ ký số, không dùng tiền mặt trong trường học.

100% giáo viên sử dụng máy tính xách tay trong giảng dạy và quản lý, đánh giá năng lực học tập của học sinh. Nhà trường cũng đầu tư phòng máy tính, hệ thống camera bảo vệ, đường truyền mạng nội bộ để tổ chức các cuộc thi, hội thi cho giáo viên và học sinh, đạt được nhiều kết quả, trở thành đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua khối Tiểu học của thành phố Tam Điệp và của tỉnh.

Giáo dục Tam Điệp Chuyển đổi số tạo đột phá nâng cao chất lượng quản lý giáo dục
 Giờ học có sự hỗ trợ thêm bằng công nghệ thông tin tại trường Mầm non Bắc Sơn, phường Bắc Sơn.

Đối với Trường Mầm non Bắc Sơn, phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp) mặc dù dạy và học cho lứa tuổi còn nhỏ, nhưng Nhà trường cũng tích cực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Nhà trường đã phối hợp với các bậc phụ huynh dạy trẻ qua các video hướng dẫn chăm sóc, giáo dục, trong đó cô giáo giữ vai trò tổ chức, dẫn dắt giúp các em phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, các giáo viên của trường còn thường xuyên đăng tải nội dung mới trên trang facebook, youtube, zalo... để phụ huynh dễ dàng truy cập, qua đó tăng sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường.

Cô giáo Phạm Thị Bích Loan, giáo viên lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Bắc Sơn, cho biết: Đối với lứa tuổi mầm non, việc dạy và học hướng nhiều đến các hoạt động đơn giản và bằng hình ảnh cụ thể, dễ hiểu để các em nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận, học tập và làm theo.

Chúng tôi thường sử dụng công nghệ số như máy tính, thiết bị di động để tải các phần mềm, ứng dụng giáo dục để giảng dạy múa hát, tập luyện thể dục, hướng dẫn các công việc đơn giản cho các em như vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe, tìm hiểu về các ngành, nghề... giúp giáo viên thuận lợi trong quá trình dạy trẻ và tạo sự hứng thú tiếp thu của trẻ.

Nhà giáo Mai Quang Túc, Trưởng Phòng GD-ĐT thành phố Tam Điệp cho biết: Thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố và ngành Giáo dục Ninh Bình về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục nói riêng, Phòng GD-ĐT thành phố đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đặt ra là thực hiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số toàn ngành làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn thành phố.

 Đến nay, 100% trường Tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Tam Điệp đã xây dựng kho bài gảng, giáo án điện tử cho tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối lớp, tạo thành kho bài giảng chung của thành phố, phục vụ công tác giảng dạy trên lớp hoặc học trực tuyến.

100% trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thực hiện chương trình học bạ điện tử đối với học sinh khối lớp 1 và lớp 6. Ứng dụng công nghệ số trong dạy và học đã tạo hứng thú cho các em qua mỗi bài giảng, qua đó tăng sự tương tác giữa thầy và trò. 

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục thành phố Tam Điệp còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, quản trị nhà trường. Hiện 100% các văn bản điều hành bằng hình thức điện tử và được ký số hướng tới xây dựng trường học thông minh.

Kết quả chuyển đổi số thời gian qua vừa giúp công tác quản lý được chặt chẽ, nhanh gọn, lưu trữ tốt, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học vừa qua, thành phố có 450 học sinh đạt thành tích xuất sắc tại các sân chơi trí tuệ, trong đó nhiều em đạt giải cấp quốc gia, quốc tế.

Thời gian tới, Phòng GD-ĐT thành phố Tam Điệp tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục hoàn thiện cơ sở dữ liệu, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống thông tin điều hành, quản lý giáo dục toàn ngành được kết nối thông suốt với các cơ sở giáo dục trực thuộc và cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh; đảm bảo 50% các hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số; 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số..., góp phần cùng thành phố Tam Điệp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số toàn diện hiệu quả.

Theo Huy Hoàng (Báo Ninh Bình)