Giáo sư Cao Huy Thuần là người Pháp gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Huế, học Đại học Luật tại Sài Gòn từ năm 1955 đến 1960. Sau đó, ông trở về dạy học tại Đại học Huế từ năm 1962 đến 1964, trước khi sang Pháp du học và định cư tại đây.

Untitled 2.jpg
GS Cao Huy Thuần.

Giáo sư Cao Huy Thuần đã xuất bản nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về chính trị học và quan hệ quốc tế.

Một số tác phẩm nổi bật của ông bao gồm: Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta (NXB TP Hồ Chí Minh - 2000); Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857 - 1914 (NXB Tôn giáo - 2002); Từ Đông sang Tây (chủ biên, NXB Đà Nẵng - 2005); Tôn giáo và xã hội hiện đại (NXB Thuận Hóa/ Phương Nam - 2006); Nắng và Hoa (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006); Thấy Phật (NXB Tri thức, 2008); Khi tựa gối khi cúi đầu (NXB Văn học - 2011, NXB Tri thức tái bản năm 2017); Chuyện trò (NXB Trẻ - 2012; tái bản 2013, 2014, 2016, 2020); Nhật ký sen trắng (NXB Trẻ - 2014, tái bản lần thứ 5 năm 2020), Sợi tơ nhện (NXB Trẻ - 2015, tái bản 2015); Đến với Phật cùng tôi (NXB Hồng Đức - 2016); Người khuân đá (NXB Trẻ - 2018); Sen thơm nắng hạ quê mình (NXB Tri thức - 2020); Im lặng như lời chia tay (NXB Khai Tâm - 2022)...

Giáo sư Cao Huy Thuần còn là tác giả của nhiều công trình bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với độc giả Việt Nam, ông là một trong những tác giả được yêu mến với nhiều đầu sách, bài viết và thuyết trình có ý nghĩa sâu sắc về tư tưởng, văn hóa, văn chương.

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, nhấn mạnh rằng Giáo sư Cao Huy Thuần là một trí thức gắn bó với đất nước và quê hương, từng thỉnh giảng tại học viện và các sự kiện văn hóa của Phật giáo cũng như Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội hội Phật giáo Việt Nam. Chùa Từ Đàm sẽ tôn thiết nơi tưởng niệm, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế cũng tổ chức Lễ tưởng niệm Giáo sư Cao Huy Thuần.

Thời gian lễ tưởng niệm theo chương trình tang lễ theo truyền thống do tang quyến quyết định, học viện sẽ có thông báo sau.

Năm 2017, Giáo sư Cao Huy Thuần đã được trao Giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh lần thứ X để vinh danh những đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn hoá, giáo dục của Việt Nam. Giải thưởng này gồm 4 lĩnh vực: văn hoá - giáo dục, dịch thuật, nghiên cứu, Việt Nam học.

(Ảnh: Tư liệu)