Có mặt tại tỉnh Hòa Bình hôm nay, GS.TS. Kim Hyong Keun hào hứng cùng các nhà nghiên cứu Việt Nam, Pháp, Áo, Thái Lan dự hội thảo quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới” do Viện Âm nhạc phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình tổ chức.

Đến từ Viện Nghiên cứu thông tin di sản phi vật thể, Đại học Jeonbuk, ông cho rằng, so với nghi thức tang ma của Hàn Quốc, Mo Mường của Việt Nam bộc lộ nhiều nét độc đáo bởi nó là nét văn hoá độc lập của người Mường, không ảnh hưởng bởi văn hóa khác. 

“Toàn bộ quá trình tang lễ, từ khi khâm liệm đến khi chôn cất, đều do thầy Mo chủ trì. Mo kể chuyện có thế giới quan cốt lõi của Mo Mường về cái chết. Hơn hết, người ta thấy rằng quan niệm về thế giới của người Mường rất đa tầng. 

Thầy cúng Hàn Quốc chỉ là đại diện của thần, còn ở Việt Nam, trong thầy Mo xuất hiện cả với tư cách là cố vấn trực tiếp”, GS.TS. Kim Hyong Keun nói. 

Theo nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, các đặc trưng cơ bản của Mo Mường được thể hiện có 2 loại chính, đó là đặc trưng hình thức và đặc trưng nội dung.

Ông lý giải, nhìn ở góc độ hình thức, Mo Mường chủ yếu được thực hiện trong tang lễ của người Mường, được biểu hiện ở hình thức trang phục, túi Khót, hình thức trình bày các lễ thức và hình thức diễn xướng Mo.

Hội thảo do Viện Âm nhạc phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình tổ chức

Đặc trưng hình thức diễn xướng Mo có 2 hình thức chính là Mo Đơn do một thầy Mo chủ trì và diễn xướng. Còn Mo Dun, trước năm 1945 chủ yếu được thực hiện trong các nhà quý tộc Lang - Đạo, có ba thầy Mo cùng đạo cụ kèm theo cùng diễn xướng.

Nhìn dưới góc độ nội dung, các đặc trưng Mo Mường phức tạp hơn và không thể tách rời giữa nội dung và hình thức đặc trưng được thể hiện.

“Lời Mo Mường có dung lượng đồ sộ và là bách khoa thư dân gian về dân tộc Mường. Cái gì có trong người Mường đều có trong Mo Mường”, ông Vọng khẳng định.

Về phần mình, nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Nợi chia sẻ, điều khác biệt của dân tộc Mường với các dân tộc khác trong đám tang là có hàng nghìn, hàng vạn câu Mo được ông Mo xướng lên để tiễn biệt người ra đi. Bản trường ca ấy được gọi là Mo Mường. 

“Mo Mường rất cổ xưa, những vấn đề mà Mo Mường phản ánh tư duy và tư tưởng mang tầm nhân loại. Qua ký ức thời gian đậm chất sử thi với màu sắc huyền thoại dưới nhiều góc độ, Mo Mường là tập đại thành của người Mường”, ông Nợi nói.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Mo Mường là một di sản văn hóa phi vật thể bao hàm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Những áng sử thi trong Mo Mường phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ. Các sinh hoạt của Mo Mường liên quan đến cả vòng đời một con người.

Ông đề nghị các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nghệ nhân và địa phương có di sản Mo Mường tập trung thảo luận làm sáng tỏ:

Mo Mường trong mối quan hệ so sánh với những hình thức thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới, đặc biệt quan tâm tới những hình thức nghi lễ tín ngưỡng có yếu tố diễn xướng kể chuyện;

Giá trị lịch sử, xã hội, văn học và nghệ thuật trong các câu chuyện ở phần Mo kể chuyện (Mo tiểu hay còn gọi là Mo đẻ đất đẻ nước);

Tính nhân văn và những quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan được thể hiện qua văn bản Mo Mường; Hiện trạng của di sản Mo Mường và một số loại hình thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới…

Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của Mo Mường, ngày 19/1/2016, Bộ trưởng VHTTDL đã ban hành quyết định đưa Mo Mường Hòa Bình vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2020, Chính phủ cho phép Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ Mo Mường đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. 

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Hòa Bình đã chủ trì, phối hợp với 6 tỉnh, thành: Phú Thọ, Thanh Hóa, Sơn La, Ninh Bình, Đắk Lắk và Hà Nội tiến hành các bước xây dựng hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.