Mo Mường là hệ thống các nghi thức gắn liền với vòng đời của người Mường. Mo Mường xuất hiện từ bao giờ thì chưa có tài liệu nào chỉ ra được nhưng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì Mo Mường có thể xuất hiện vào thời kỳ tiền giai cấp, tiền nhà nước. Mo Mường được hợp thành bởi ba yếu tố: Lời Mo, nghệ nhân Mo và Lễ thức Mo. 

Hiện nay, cùng với những thuận lợi trong việc phát triển kinh tế xã hội địa phương thì mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là thách thức lớn cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản Mo Mường nói riêng. 

Bà Bùi Thị Niềm - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của Mo Mường là rất quan trọng, bởi nó cho ta ý thức về bản sắc và sự thân thuộc, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Hiểu biết đúng đắn về giá trị của Mo Mường được coi như hiểu biết về một nền văn hóa cổ sơ của người Mường. Vấn đề bảo vệ di sản Mo Mường ra sao? Phát huy những giá trị đặc sắc của Mo sử thi như thế nào là nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. 

Ảnh: Quang Vinh.

Để bảo vệ Mo Mường trước nguy cơ mai một, bà Niềm đưa giải pháp: "Đối với Hoà Bình, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu đề xuất các biện pháp, xác định nguồn lực và khẩn trương triển khai thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Mo Mường; tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu những nội dung tiêu biểu mang giá trị đạo đức, văn hóa, giáo dục trong Mo Mường để biên soạn, đưa vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế xã hội hóa để vận động nhân dân, huy động xã hội tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Mo Mường.

Mặt khác, tiến tới giao câu lạc bộ Mo Mường tại các huyện mở lớp truyền dạy một số nghi lễ cơ bản trong Mo Mường và những bài Mo thông thường, không có quá nhiều yếu tố tâm linh. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về giá trị của di sản. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Mo Mường".

TS. Đỗ Quang Trọng - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua kết quả rà soát, kiểm kê trên địa bàn người Mường tại các huyện miền núi hiện nay có 184 nghệ nhân Mo (số người có khả năng thực hành và truyền dạy là 128 người, số người hiện đang học là 93 người). Tuy nhiên, thầy Mo có khả năng thực hành và truyền dạy rất tốt chỉ có 11 người (chiếm 6%), đây là con số rất ít ỏi.

Chính vì thế, muốn giữ được Mo Mường, ông Trọng đề xuất phải có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân, những thầy Mo am hiểu, thực hành Mo Mường tạo động lực để họ truyền dạy cho thế hệ kế tiếp để tiến tới tiến tới đề xuất ghi danh di sản Mo Mường Thanh hóa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và phối hợp với tỉnh Hoà Bình xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.

Ths. Vũ Thanh Lịch - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình nêu thực trạng hiện nay ở Ninh Bình, việc rút ngắn các nghi lễ Mo trong tang ma đồng nghĩa với việc các bài Mo được rút ngắn hoặc cắt bỏ để đảm bảo thời gian, lâu dần, các thầy Mo cũng ít có cơ hội sử dụng và ghi nhớ được các nghi lễ cũng như các lời kể, các câu thơ, điệu hát khi thực hành Mo. Bên cạnh đó, việc ảnh hưởng, giao thoa về lối sống và niềm tin, tín ngưỡng giữa đồng bào dân tộc Mường và người dân tộc Kinh ở các khu vực trung tâm có tốc độ đô thị hoá cao, khiến nhu cầu thực hành nghi lễ Mo không còn nhiều, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các thày Mo không còn “đất dụng võ” dẫn đến việc lưu truyền các bài Mo, nghi thức Mo mai một dần. 

Từ thực tiễn công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và những kết quả nghiên cứu bước đầu về di sản Mo Mường, ông Lịch đề xuất phải tận dụng vai trò của các nhà khoa học, các chuyên gia trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mo Mường.

"Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung, Mo Mường nói riêng cần có công sức, trí tuệ, sáng kiến của toàn xã hội, trong đó vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học là vô cùng quan trọng. Thực tiễn cho thấy, đồng bào dân tộc Mường ở mỗi vùng lại có tập tục sinh hoạt khác nhau và người Mường ở các xã khác đã có sự khác biệt đáng kể, đòi hỏi có sự nghiên cứu, so sánh để nhận diện, làm rõ những điểm giống và khác nhau giữa Mo Mường ở các nhóm cư dân, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp trong bảo tồn, phát huy giá trị.

Thực tiễn cho thấy các vấn đề về văn hoá nói chung, di sản nói riêng vốn là các vấn đề dễ được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều chiều, nhiều góc cạnh và gây nhiều tranh cãi, vì vậy cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật của các chuyên gia trong nước, quốc tế. Việc tổ chức xây dựng hồ sơ quốc gia đối với di sản Mo Mường trình UNESCO ghi danh là một trong những bước đi đầu tiên để mời gọi, “lôi kéo”, tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước, quốc tế đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mo Mường", ông Lịch nhấn mạnh.