- Chỉ một va quệt nhỏ, tiếng chửi thề sẵn sàng bật ra kể cả với người lớn tuổi. Nếu không cẩn thận, nắm đấm, con dao sẵn sàng tung ra. Đây là cảm nhận về giao thông Hà Nội - TP.HCM của ông Dương Biên (62 tuổi, giảng viên Quản trị kinh doanh, TP.HCM).

Tôi là một người con Hà Nội nhưng đã có 40 năm sống trong Sài Gòn và có đôi điều cảm nhận về giao thông ở Thủ đô.

Đã lâu rồi người ta thường đùa nhau, vào Sài Gòn thưởng thức đặc sản kẹt xe. Nhiều khi quá mệt mỏi khi ngày ngày phải chứng kiến một rừng xe máy và ô tô đan xen nhau trên đường, nhưng dù sao vẫn có cảm giác bình yên.

{keywords}
Giao thông Hà Nội. Ảnh: Kiên Trung

Nhưng Hà Nội không vậy. Đường đôi khi không đông lắm nhưng sự căng thẳng luôn toát ra từ những ánh mắt. Chỉ một va quệt nhỏ, tiếng chửi thề sẵn sàng bật ra kể cả với người lớn tuổi. Nếu không cẩn thận, nắm đấm, con dao sẵn sàng tung ra với sự vô học và tàn nhẫn.

{keywords}

Bạn đọc Bin Le gửi hình ảnh trên đường Quán Sứ hướng bệnh viện K lúc 9h sáng 6/9 và chia sẻ: Đường 2 chiều mà xe buýt chiếm trọn làn bên kia

Tôi đã từng chứng kiến ô tô xếp hàng 6, 7 trên đường phố Hà Nội. Họ không cần biết phải dành lối cho xe 2 bánh, nhưng có một điều rất lạ, CSGT không hề có ý kiến gì (ngay cả lúc không phải giờ cao điểm).

Không lẽ luật lệ giao thông Hà Nội khác cả nước?

Ở Sài Gòn, khi chen hàng vào đường dành cho xe 2 bánh thường là mấy chú taxi chạy vội giành đường, giành khách, xe biển xanh, còn đa số vẫn chạy nghiêm túc, kiên nhẫn xếp hàng từ từ tiến theo luật.

{keywords}
Phóng xe máy không cần mũ bảo hiểm. Ảnh: Diệu Bình

Rất nhiều người chạy xe 2 bánh ở Hà Nội không cần đội nón bảo hiểm, không cả bảng số xe, không kính chiếu hậu và không cần quan tâm tốc độ chạy xe. 

Chạy được nơi nào là chạy

Tôi thấy giao thông giờ cao điểm thật sự kinh khủng. Nơi nào chạy được họ cứ chạy, không phân biệt đâu là đường dành cho xe máy, ô tô hay người đi bộ. Ngay cả một bộ phận học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên cũng chạy xe trên vỉa hè, có người tham gia giao thông không đội nón bảo hiểm. CSGT cần ra quân xử phạt nghiêm minh.

Cần có sự điều tra xã hội học ý thức tham gia giao thôn vì nếu cứ tình trạng này, có mở đường càng rộng cũng không tránh sự ùn tắc, cần có giải pháp lâu dài và hữu hiệu.

(Thiện Kim Thanh)

Ở Sài Gòn gần như không ai dám để đầu trần chạy xe gắn máy vì nếu lỡ gặp CSGT chắc chắn mất vài ngày lương như chơi. CSGT thường phạt nếu rẽ xe mà không bật đèn xi nhan hoặc tối không mở đèn pha nhưng ở Hà Nội hình như đèn xi nhan để trang trí xe cho vui.

Người Sài Gòn bây giờ cũng là người tứ xứ, nhưng hình như vào thành phố này rồi người ta cũng cảm thấy cần phải văn minh hơn. Va quẹt thường nhận được từ "xin lỗi" hoặc nếu căng thẳng họ sẵn sàng chia sẻ, thoả thuận sự đền bù thích hợp.

Hà Nội thì sao nhỉ? Ngàn năm văn hiến và đất Tràng An thanh lịch mặc dù Thủ đô đã mở rộng ra và người Hà Nội cũng tứ xứ như Sài Gòn nhưng hình như sự thanh lịch chỉ còn là kỷ niệm hay sao ấy!

Ở đây, tôi không nói đến những thói hư tật xấu của một bộ phận không nhỏ "người Hà Nội" mà tôi chỉ chia sẻ đôi điều về giao thông. Những kiểu lạng lách, đánh võng, rú ga, vượt đèn đỏ … hình như phải có một pháp lệnh riêng.

Chúng ta cùng là dân Việt. Người Hà Nội ơi, hãy là niềm tự hào của một bộ phận những người xa quê như chúng tôi.

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện, ngẫm nghĩ về giao thông Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hiến kế, gợi ý để có thể cải thiện giao thông Hà Nội tốt hơn. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải.

Dương Biên (TP.HCM ngày 6/9/2016)