- TP Hà Nội cần ít nhất 4 loại phương tiện công cộng tạo nên mạng lưới dầy đến mức không cần xe hơi cá nhân vẫn đến được bất kỳ chỗ nào.
VietNamNet giới thiệu đề xuất của TS Nguyễn Văn Tiến Ích, hiện đang sinh sống và làm việc tại CHLB Đức nhằm giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội
Giải pháp tình thế trước mắt: Chống ùn tắc cho TP
Kết hợp với những việc do ngành giao thông nội đô đã và đang làm có hiệu quả, tôi xin bổ sung thêm:
a) Về mặt kỹ thuật: Lấy các điểm thường xuyên ùn tắc làm tâm, lùi về phía ngoại ô một khoảng cách thích hợp, tại đây hình thành nên các bãi trung chuyển P + R (Park & Ride).
Thực chất đây là các bến Shuttle Bus. Xe hơi, xe máy các loại của cán bộ, công chức và nhân dân khi đến cơ quan làm việc hay vào thành phố giải quyết việc riêng, đậu lại tại các bãi này, người lên xe buýt đi chung về các cơ quan công sở và nơi cần đến.
Cần hình thành các tuyến vận chuyển tối ưu và thời gian tối ưu cho các đội xe buýt sao cho thời gian chờ, đường đi bộ từ bến đỗ tới cơ quan công sở, hay nơi cần giải quyết công việc, người ta không phải mất quá 10 phút.
b) Kết hợp kỹ thuật với tổ chức, điều hành: Trong TP hình thành 3 vị trí cấm trên các tuyến phố
Cấm đỗ
Cấm dừng có thời hạn (Trừ xe cung cấp hàng)
Cấm dừng tuyệt đối (không có ngoại lệ)
c) Dựng các máy thu tiền tự động cho các tuyến phố được phép đậu xe: Các máy này có gắn biển thông báo giá đỗ xe cho từng 15 phút một và thời gian đỗ tối đa (trong tuần ngắn hơn cuối tuần…).
Chúng sẽ in, xuất vé cho người mua với các dữ liệu cơ bản, thí dụ ngày tháng năm, mã số, thời gian đậu… sau khi người gửi đã đút tiền vào máy và bấm nút thanh toán.
Trường hợp chi phí quá cao, kỹ thuật quá phức tạp thì thay vì các cây thu phí tự động, có thể tạm thời lập trạm thu, thiết kế nhỏ gọn cho 1 người, có phương tiện nối mạng trung tâm.
d) Lập (các) đội kiểm tra trật tự giao thông: Đội này trực thuộc một phòng trong biên chế cuả Sở phụ trách trật tự công cộng. Các nhân viên có nhiệm vụ kiểm tra giao thông, phạt người lái vì đỗ không đúng nơi, hoặc đúng nơi nhưng không mua vé, hoặc có mua vé nhưng đỗ quá giờ…
Người vi phạm bị phạt số tiền đủ sức răn đe.
e) Cho phép lập các công ty tư nhân, cung cấp dịch vụ vận chuyển xe hơi, xe máy vi phạm ra khỏi hiện trường, chở về nơi tập kết. Phần việc còn lại do các cơ quan công quyền giải quyết.
Sơ đồ mạng lưới giao thông công cộng có 4 phương tiện cuả TP Munich và ven đô:
Mạng giao thông công cộng cuả TP Munich với 4 phương tiện hiện đại, cho phép hành khách nhanh chóng đi khắp nội đô, lên sân bay và ra các thành phố vệ tinh. Nguồn: MVG Munich |
Giải pháp đồng bộ - Tầm nhìn dài lâu
Đây là vấn đề mang tầm quốc tế và tầm chiến lược phát triển một đất nước nên với một cá nhân, không thể có đủ khả năng và tham vọng đệ trình một bản chi tiết, bao gồm các giải pháp tổng thể, kể cả cho giao thông liên vùng, vì chúng liên quan đến cả phạm trù quy hoạch đô thị, cụm dân cư, môi sinh v.v...
Khi cần, tôi có thể dễ dàng liên lạc được với một trong các công ty tư vấn quy hoạch hạ tầng, giao thông… hàng đầu của Đức mà mình đang hợp tác, để khi đã làm một lần, các công trình đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ cho nhiều thế hệ mai sau. Ở đây chưa bàn đến các phương tiện giao thông "viễn tưởng".
Trước mắt tôi chỉ mạn phép nêu ý tưởng cho Việt Nam, trên cơ sở những gì mình đã và đang trải nghiệm hằng ngày tại một đất nước, ở thành phố có cơ sở hạ tầng tốt và hiện đại vào bậc nhất thế giới.
Ở TP Munich, người đi phương tiện công cộng rất đàng hoàng tự tại. Vé bán tự động. Hãn hữu mới có người kiểm tra đột xuất. Ngược lại, hành khách đi chui bị phạt gấp khoảng 25 lần tiền vé. Ba lần đi chui bị phát hiện là ngồi tù 1 lần.
Mạng giao thông công cộng cuả TP Munich với 3 phương tiện nhanh và hiện đại. Tàu điện cao tốc (S-Bahn) đưa khách ra sân bay cũng như tới các TP vệ tinh và ngược lại, rất thuận tiện. Ảnh: MVG Munich |
a) Về kỹ thuật: TP Hà Nội cần ít nhất 4 loại phương tiện công cộng, đó là:
Tàu điện cao tốc (S-bahn) là mạng lưới tàu có toa xe gần giống tàu điện ngầm, đi từ thủ đô, ra sân bay quốc tế và tới các thành phố vệ tinh có khoảng cách ước chừng 30 km so với trung tâm thủ đô. Mạng lưới này được thiết kế với các ga chung để hành khách có thể chuyển sang tàu hoả ở ga đó rồi đi khắp cả nước.
Tàu điện ngầm (U-Bahn) chủ yếu đi trong nội đô.
Tàu điện thông thường (Tram), đi trong nội đô.
Xe buýt hiện đại.
4 phương tiện này tạo nên một mạng lưới dầy đến mức về lý thuyết người ta không cần xe hơi cá nhân mà vẫn đến được bất kỳ công sở hay điạ chỉ cá nhân nào.
Khi đi công tác đến một cơ quan nào đó cuả thành phố hay cả tiểu bang Bayern và xa hơn, tôi thường ưu tiên cho các phương tiện công cộng và tàu hoả. Nghĩ đến việc phải tự lái xe hơi cá nhân là tôi nghĩ ngay đến stress không đáng có. Đi xe công cộng còn hay ở chỗ, người ta có thể tranh thủ làm việc trên đoạn hành trình.
Trong xu thế cạnh tranh, không thể không nhắc đến taxi và đặc biệt tại Đức đã ra đời loại xe khách đường dài. Các công ty xe khách (buýt 2 tầng) kiểu này đang cạnh tranh với ngành đường sắt vì giá rẻ khó lường.
Những đoàn xe buýt to, hiện đại, ngoài vận chuyển trong nước, còn đưa khách từ Đức đi đến (và về từ) hầu hết các TP lớn cuả các nước láng giềng ở châu Âu. Ga chính của nó được thiết kế, xây lắp tại Munich, cạnh ga S-Bahn, làm ta liên tưởng ngay đến một sân bay thu nhỏ cuả một nước văn minh.
b) Về tổ chức điều hành kết hợp kỹ thuật: Cần thành lập Sở lưu trữ quản lý bằng lái xe, có trang bị máy chủ loại mạnh. Tại đó ghi nhiều giữ liệu, chẳng hạn ghi mức độ vi phạm và số điểm đã bị trừ (do vượt đèn đỏ, gây tai nạn giao thông và các vi phạm khác).
Sở lưu trữ bằng lái xe là cả một mảng hành chính đồ sộ, liên quan cả tới ngành công an hình sự, công tố và toà án. Nếu Việt Nam muốn học hỏi thì cử cán bộ giỏi đến thành phố Flensburg, ở cực bắc cuả Tây Đức thu thập kinh nghiệm.
c) Cơ quan phụ trách kỹ thuật tổng hành các phương tiện giao thông (ở Đức gọi tắt là TÜV) cũng là cơ quan kiểm tra lý thuyết, kiểm tra tay lái, tức phụ trách việc thi lấy bằng lái xe các loại. Khi lái xe phạm luật, đặc biệt nếu anh ta uống rượu bia rồi lái xe với nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép mà bị phát hiện thì chính cơ quan nói trên sẽ tổ chức sát hạch lại khả năng cầm lái cuả anh ta (gọi tắt MPU). Trước đó, công an, công tố viện, toà án đã vào cuộc để thu bằng lái.
MPU là viết tắt từ cụm từ chuyên ngành, dịch sang tiếng Việt có nghĩa: Kiểm tra sức khoẻ, tâm lý người lái xe. TÜV và MPU cũng thuộc về quản lý, điều hành rất đa dạng cuả Đức, đáng để chúng ta học hỏi. Cần cho phép mở các trường tư nhân, dạy lý thuyết và thực hành lái xe các loại, có áp dụng công nghệ IT. Ngoài ra, cấp đại học cũng cần đào tạo thêm chuyên ngành "Tâm lý giao thông".
d) Để tránh gây ùn tắc giao thông đường dài không đáng có, cần dẹp bỏ các trạm thu tiền (BOT). Thay vào đó là biện pháp "giao thông thông minh".
Các cổng cao to, bắc qua các đường cao tốc sẽ tham gia thu phí bằng cách áp dụng công nghệ IT, ghi nhận giữ liệu cuả phương tiện vận chuyển rồi gửi về trung tâm xử lý số liệu, tính phí.
Công ty Toll Collect cuả CHLB Đức, thành lập năm 2002, với 520 cán bộ CNV, chủ yếu nhận thương vụ của Bộ Giao thông có thể cung cấp đầy đủ kinh nghiệm góp phần quản lý điều hành giao thông cho Việt Nam.
e) Về quản lý hành chính: Ngoài các mục riêng lẻ đã nêu trên, ngành tư pháp cần hiện đại hoá cho chuyên ngành giao thông bằng các chế tài, từ cơ sở trở lên.
Xin nêu vài thí dụ: Cần có danh mục rõ ràng về các loại vi phạm và mức phạt tương ứng. Ở Đức chỉ cần người lái xe văng tục hay giơ ngón tay với cảnh sát, lập tức anh ta bị phạt tiền theo biểu có sẵn.
Người vi phạm, dù đỗ, dừng xe sai hay phạm luật nặng hơn, khi bị phạt tiền, không dám chần chừ. Nếu phải hầu toà, anh ta sẽ hiểu ngay câu ngạn ngữ "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn“.
200.000 USD chống ùn tắc: Dưới 5km chỉ cần đạp xe
Khuyến khích người dân sử dụng xe đạp là một trong những đề xuất được rất nhiều bạn đọc để xuất để làm giảm ùn tắc giao thông.
200.000 USD chống ùn tắc: Cấm rẽ trái, quay đầu
Sau 5 ngày Hà Nội treo thưởng, hàng trăm ý tưởng chống ùn tắc giao thông được bạn đọc cả nước gửi tới VietNamNet.
(Còn tiếp)