Phụ huynh gọi điện, la mắng đêm khuya

“Chúng tôi đều nhận được những cuộc gọi vào đêm khuya từ các bậc phụ huynh với cáo buộc rằng chúng tôi không tôn trọng những con của họ, chỉ vì các em bị kỷ luật do không tham gia lớp học”, một giáo viên tiểu học Hàn Quốc giấu tên nói, theo tờ The Guardian.

Người dân Hàn Quốc xuống đường biểu tình đầu tháng 9/2023 sau cái chết của một giáo viên tiểu học. 

“Đã có nhiều phụ huynh la mắng chúng tôi vì không cung cấp tài liệu cho những học sinh quên không mang theo, khăng khăng yêu cầu những em không làm bài tập về nhà sẽ không bị phạt, hay đơn giản là phàn nàn về việc khen ngợi một học sinh 3 câu nhưng với con họ chỉ 2 câu”.

Ngày 7/9/2023 vừa qua, hàng nghìn giáo viên trên khắp Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình, bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng trước mức độ đối xử ngược đãi họ phải nhận từ cả phụ huynh và học sinh, bao gồm cả việc bị buộc tội “lạm dụng trẻ em” khi kỷ luật học sinh. Những giáo viên này đang kêu gọi các nhà chức trách và nhà trường bảo vệ tốt hơn cho họ.

Phong trào này được khơi dậy sau sự ra đi của một giáo viên tiểu học 23 tuổi vào tháng 7/2023. Cô được phát hiện đã tự sát tại một trường học ở thủ đô Seoul sau khi bày tỏ sự lo lắng trước những lời phàn nàn mang tính “bạo lực tinh thần” từ phụ huynh. 

Hàng ngàn người đã rời khỏi giảng đường và xuống đường để bày tỏ thương tiếc cô và các thầy cô giáo khác- những người đã tự kết liễu đời mình và yêu cầu thay đổi. Được biết, trước đó, một số trường hợp giáo viên đã tự tử vì từng phải chịu những lời phàn nàn ác ý từ phụ huynh, theo hiệp hội giáo viên Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc hứa sẽ “quan tâm kỹ lưỡng” đến việc nâng cao quyền của giáo viên, tuy nhiên, các cuộc biểu tình có thể sẽ tiếp tục cho đến khi các sửa đổi pháp lý quan trọng được đáp ứng, chẳng hạn như việc thông qua dự luật cho phép giáo viên được miễn trừ khỏi các cáo buộc lạm dụng trẻ em. 

Một cậu bé để lại lời chia buồn trước một lớp học ở Seoul, nơi một giáo viên trẻ được phát hiện đã tự sát vào tháng 7/2023.

“Rất nhiều giáo viên phải chịu đựng”

Với cô B., một giáo viên trung học, cơn ác mộng bắt đầu khi học sinh quay trở lại lớp học sau đại dịch. Khi học sinh thường xuyên không mang tài liệu đến lớp, thậm chí sau nhiều lần nhắc nhở, cô B. đã phạt bằng cách bắt những học sinh đó đứng trong lớp. Tuy nhiên, một số học sinh đã gây ồn ào và làm gián đoạn lớp học, thể hiện hành vi thiếu tôn trọng khi bị kỷ luật.

Một phụ huynh đã phàn nàn về hình phạt khiến cô B. bị buộc tội bạo hành tinh thần. Cô đã bị đình chỉ giảng dạy mà không có một cuộc điều tra thích hợp. Khi yêu cầu làm rõ những hiểu lầm với các bên liên quan, cô B. cho biết những yêu cầu đó đã không được đáp ứng.

Hàng chục nghìn giáo viên hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình trước Quốc hội ở Seoul.

Cô B. cảm thấy không được ban giám hiệu nhà trường và cơ quan giáo dục hỗ trợ và bị áp lực phải nghỉ ốm. Cô nói rằng cô phải đối mặt với những lời đe dọa bị cách chức và bị rơi vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài, tốn kém và đầy cảm xúc.

“Sau hơn một năm, thẩm phán đã ra phán quyết có lợi cho tôi với bản án ‘không có tội’. Tuy nhiên, cơ quan quản lý giáo dục vẫn áp dụng các biện pháp kỷ luật, trái ngược với kết quả điều tra. Điều này dẫn đến việc tiền lương không được trả đầy đủ, buộc phải chuyển trường và bỏ lỡ cơ hội thăng tiến”, cô B. nói.

“Tôi vẫn phải vật lộn với cảm xúc đau khổ và rối loạn lo âu do sự kiện đau buồn này gây ra. Sức khỏe thể chất của tôi cũng ngày càng xấu đi. Rất nhiều giáo viên khác đang phải chịu đựng”.

Đề xuất cấm phụ huynh liên hệ trực tiếp với giáo viên

Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện các bước để bảo vệ giáo viên khỏi bị phụ huynh ngược đãi. Họ tuyên bố sẽ khởi động một hệ thống phản hồi khiếu nại mới, trong đó phụ huynh sẽ bị cấm liên hệ trực tiếp với giáo viên để khiếu nại. 

Bộ cũng có kế hoạch ủng hộ những sửa đổi pháp lý cần thiết để phân biệt sự hướng dẫn hợp pháp của giáo viên với việc lạm dụng trẻ em, đồng thời buộc học sinh và phụ huynh phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm quyền của giáo viên.

Bắt đầu từ tuần thứ 2 của tháng 9/2023, bất kỳ ai gọi cho giáo viên sẽ được thông báo rằng cuộc trò chuyện của họ có thể được ghi lại. Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc nhìn chung hoan nghênh những nỗ lực của chính phủ nhưng kêu gọi các nghị sĩ nhanh chóng thông qua luật liên quan “cho phép giáo viên yên tâm tham gia vào các hoạt động giáo dục”.

Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc nổi tiếng với áp lực cao và tính cạnh tranh khốc liệt. Điểm số tốt và bằng đại học danh giá được coi là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc làm ổn định và được trả lương cao. 

Kết quả là, học sinh bị áp lực cao độ trước các kỳ thi tuyển sinh đại học, thường đòi hỏi phải học nhiều giờ cũng như đầu tư tài chính đáng kể cho việc học thêm. Vào ngày thi, giao thông đông đúc đã bị cấm và thậm chí có lúc máy bay phải thay đổi thời gian hạ cánh để tránh gây xáo trộn. 

Bị áp lực bởi những kỳ vọng như vậy, một số em chuyển sang hành vi ngỗ ngược, mắc bệnh tâm thần, hay thậm chí tự sát. Áp lực không biến mất mà chuyển hóa sang người ở lại, bao gồm gia đình các em, nhà trường và cả giáo viên.

Tử Huy