Đã quen với chuyện không thưởng Tết

Tốt nghiệp kể từ năm 1994, sau khi ra trường, cô Nguyễn Thúy Hiền về công tác tại một trường tiểu học ở Đông Hưng, Thái Bình. Đi dạy tới nay cũng gần 28 năm, nhưng chưa năm nào, cô và đồng nghiệp nhận được tiền thưởng Tết.

“Giáo viên không còn trông mong vào tiền thưởng Tết nữa vì cũng đã quen với việc không có thưởng”, cô Hiền nói.

Thực tế, trong những năm đầu tiên đi dạy ở ngôi trường cũ, sau ngày 23 tháng Chạp, giáo viên thường được nhà trường gửi tặng 1 cân giò hoặc 1 – 2 cân thịt. 

3 – 4 năm trở lại đây, khi chuyển sang ngôi trường mới, mỗi năm, giáo viên trong trường sẽ được hỗ trợ khoảng 500.000 đồng vào dịp cuối năm, trong đó có 200.000 được trích từ quỹ công đoàn.

“Nói là hỗ trợ, nhưng thực ra cũng chính là khoản tiền do giáo viên đóng góp hàng tháng, được trích từ 1% lương vào quỹ công đoàn. Ngoài ra, nhà trường cũng có một khoản nhỏ từ ngân sách do trường tiết kiệm trong năm như tiền vệ sinh trường lớp, tiền nước uống, chăm sóc cây,… để hỗ trợ cho giáo viên”.

Số tiền quà Tết không nhiều, nên để giáo viên có thêm khoản mua sắm dịp Tết, năm nay, trường của cô Hiền đã tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên được nhận trước tiền lương tháng sau.

“Nhận được 2 tháng lương một lúc, các giáo viên vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì có thêm tiền để trang trải dịp Tết, nhưng lo vì sợ tiêu hết cả vào tiền lương tháng 2, ra Tết sẽ không biết phải xoay xở thế nào. Vậy nên, cầm tiền trong tay nhưng mình cũng phải chi tiêu rất dè sẻn”, cô Hiền chia sẻ.

Sau gần 28 năm công tác, hiện tại, cả tiền lương và phụ cấp đứng lớp (35%) cô Hiền nhận được là hơn 9 triệu đồng/ tháng. 

“Đôi khi nghe bạn bè cấp 3 đang làm việc ở nhiều cơ quan, ban ngành khác kể chuyện được thưởng Tết 1 - 2 tháng lương cũng khiến mình cảm thấy tủi thân, chạnh lòng. Nghĩ cũng buồn thật, nhưng chuyện thưởng Tết bao năm đã vậy rồi. Mình cũng cảm thấy may mắn hơn nhiều đồng nghiệp trẻ có mức lương chỉ 3 – 4 triệu, đến ăn còn không đủ nói gì đến chuyện chi tiêu ngày Tết”.

{keywords}

Nhiều giáo viên giờ đây không còn trông chờ tiền thưởng Tết (Ảnh minh họa)

Cũng giống như cô Hiền, cô Mai Phương, giáo viên lớp 3 tại Mường Tè, Lai Châu, từ lâu cũng không còn trông mong đến chuyện thưởng Tết. Gần 14 năm đứng lớp, số tiền thưởng Tết nhiều nhất cô Phương nhận được là hơn 1 triệu đồng.

“Năm ngoái, trường mình thưởng Tết dựa trên xếp loại thi đua của giáo viên. Giáo viên nào được chiến sĩ thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhận bằng khen, giấy khen của tỉnh,… thì sẽ được thưởng ở mức cao nhất là 1,49 triệu đồng, tức một tháng lương tối thiểu; còn những người được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng chỉ được khoảng 750 nghìn đồng”.

Số tiền không nhiều, nên với giáo viên, đây là khoản hỗ trợ “động viên tinh thần là chính”.

“Những năm về trước nữa, thậm chí giáo viên còn không biết đến thưởng Tết là gì. Cũng có năm, giáo viên được Công đoàn ngành tặng cho mỗi người một cuốn lịch treo tường. Chỉ có giáo viên nào gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mới được hỗ trợ khoảng 500 nghìn đồng”, cô Phương kể.

Công tác xa nhà gần 600 cây số, nhưng vì đồng lương thấp, cô Phương không dám mua sắm gì nhiều, bởi còn phải “dành dụm tiền mua vé xe ngược trở lại trường học”.

“Mấy hôm trước, hai mẹ con gọi điện cho bà ngoại, nói Tết này cả nhà sẽ về ‘ăn vạ’ bà. Là con gái đi làm xa nhà, mình cũng muốn mua sắm cho bố mẹ ngày Tết, nhưng đồng lương ít ỏi nên dù có thương cũng không biết phải làm sao”, cô Phương chạnh lòng nói.

Giáo viên tự xoay xở

Những ngày cuối năm, vợ chồng thầy giáo Hà Quốc Tuấn, giáo viên dạy Mỹ thuật tại Nam Định tìm cách xoay xở để kiếm thêm thu nhập.

“Gần 19 năm đi dạy, chúng tôi chưa biết thế nào là thưởng Tết cả. Vậy nên, cũng không có gì để phải trông mong”. Tranh thủ những ngày sát Tết, thầy Tuấn nhận đi vẽ thêm tranh tường, trong khi vợ thầy – cũng là giáo viên – tới một số đại lý nhập thêm bánh kẹo Tết về bán online hoặc bán cho các đồng nghiệp trong trường để kiếm thêm thu nhập.

“Mình phải tìm cách để xoay xở chứ chỉ trông chờ vào tiền lương sẽ rất chật vật. Tôi cũng không mấy nề hà chuyện này. Tôi biết, nhiều đồng nghiệp trong trường thậm chí cũng đi hát, đánh đàn trong các đám cưới để có thể xoay sở thêm”, thầy Tuấn nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho hay, dù biết rằng thầy cô cũng rất thiệt thòi do mức thưởng Tết hàng năm của giáo viên thấp hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác, nhưng lãnh đạo trường cũng “lực bất tòng tâm”.

“Các trường công không có quỹ cho khoản thưởng Tết. Nguồn thưởng chủ yếu phụ thuộc vào việc chi tiêu tiết kiệm hàng năm của nhà trường. Các trường cũng phải nỗ lực co kéo, cân đối thu, chi từ ngân sách chi thường xuyên để hỗ trợ thầy cô dịp Tết Nguyên đán. Do đó, có những năm, mức thưởng cũng chỉ mang tính chất động viên tinh thần thầy cô”.

Hiểu được tâm tư của giáo viên, hiệu trưởng một trường tư tại Hà Nội cho biết “sẽ cố gắng để không giảm lương, cắt thưởng của giáo viên trong dịp Tết Nguyên đán”.

“Quả thực, dịch Covid-19 đã khiến các trường học bị ảnh hưởng rất nhiều. Bởi lẽ, chỉ cần 1 tháng không có nguồn thu trong khi vẫn phải xử lý các khoản tài chính, nhiều nhà trường sẽ rơi vào khủng hoảng, khó khăn.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, trường chúng tôi vẫn cố gắng giữ nguyên lương hàng tháng của giáo viên đến các chế độ phúc lợi như dịp 20/11, lễ Tết. Điều này khiến giáo viên cũng rất ấm lòng”.

Để làm được điều ấy, vị hiệu trưởng này cho biết, trước đó, nhà trường đã phải gây dựng quỹ dự phòng rủi ro và đầu tư phát triển hàng năm. Năm nay, khi cả nước đang phải gồng mình chiến đấu với dịch bệnh, trường đã quyết định sử dụng quỹ này để giữ gìn bộ máy, đồng thời ưu tiên cho việc chăm lo đời sống của cán bộ, giáo viên.

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi

Thúy Nga

Thưởng Tết giảng viên lên tới 70 triệu đồng

Thưởng Tết giảng viên lên tới 70 triệu đồng

Dù dịch Covid-19, mức 'thưởng' Tết của giảng viên và giáo viên ở một số trường tại TP.HCM vẫn tương đương năm ngoái. Tại trường đại học, giảng viên có thể nhận thưởng hàng chục triệu đồng/người