Nếu bị phát hiện ăn thịt chó, người dân có thể bị phạt lên tới hàng trăm triệu đồng. Những người tổ chức kinh doanh giết mổ dã man có thể bị phạt lên đến 2 tỷ đồng.

Đài Loan sắp trở thành nơi đầu tiên ở châu Á cấm tiêu thụ thịt chó mèo khi người nuôi chó mèo trên khắp hòn đảo bắt đầu thay đổi thái độ với những loài động vật này.

{keywords}

Thịt chó được bày bán tại lễ hội thịt chó Ngọc Lâm, Trung Quốc

Nếu vi phạm, đạo luật Bảo vệ Động vật sửa đổi sẽ phạt 250.000 đô la Đài Loan (khoảng 186 triệu đồng) với mỗi hành động ăn thịt chó hoặc mèo. Ngoài ra, các hình phạt đối với hành động tàn nhẫn hoặc giết mổ động vật được nâng lên đến hai năm tù và phạt tiền lên đến 2 triệu đô la Đài Loan (gần 1,5 tỷ đồng).

Những người phạm tội liên tiếp có thể bị phạt đến 5 năm tù và phải đối mặt với khoản tiền phạt cao hơn. Thậm chí, những người phạm tội cũng có thể bị chính quyền công khai danh tính và hình ảnh với công chúng để răn đe.

Luật mới sửa đổi cũng ghi rõ việc dắt thú nuôi trên lòng đường trong khi đang lái xe máy hoặc ô tô là bất hợp pháp.

{keywords}

Ăn thịt chó ở Đài Loan có thể bị phạt khoảng 186 triệu đồng

Điều luật sửa đổi vẫn cần được lãnh đạo Đài Loan ký ban hành nhưng có thể có hiệu lực vào cuối tháng 4, Guardian viết.

Thịt chó được tiêu thụ rộng rãi ở một số quốc gia châu Á và thịt mèo ít phổ biến hơn. Thịt chó từng được tiêu thụ nhiều ở Đài Loan, nhưng hiện nay, hầu hết chó được đối xử như vật nuôi nhiều hơn là thức ăn.

Lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn, nổi tiếng là một người yêu mèo, thường xuyên chụp ảnh với hai con mèo của bà. Năm ngoái, bà cũng nhận nuôi 3 con chó dẫn đường đã về hưu.

{keywords}

Lãnh đạo Đài Loan nổi tiếng là một người yêu mèo

Trước đây, Đài Loan đã cấm bán thịt chó mèo vào năm 2001, và một số chính quyền địa phương cấm tiêu thụ.

Còn Hồng Kông cấm giết mổ và bán thịt chó và mèo dưới thời thuộc địa của Anh, nhưng không có quy định cụ thể về ăn thịt chó mèo.

Tại Trung Quốc, lễ hội thịt chó hằng năm ở Ngọc Lâm đã trở thành tiêu điểm gây tranh cãi khi khoảng 10.000 con chó bị giết mỗi năm. Các nhà hoạt động vì quyền lợi động vật từ lâu đã phản đối giận dữ và yêu cầu loại bỏ lễ hội.

(The Guardian/ Dân Việt)