Đối với mọi người dân đất Việt, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, chắc đều thuộc nằm lòng câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”. 

Mỗi tháng Ba về, chúng ta lại mong mỏi được một lần hành hương về đất Tổ, được lên đỉnh non thiêng Nghĩa Lĩnh thành kính dâng nén hương thơm, tỏ lòng tri ân công đức các Vua Hùng có công dựng nước. 

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương trên tàu KN491. Ảnh: NVCC

Với tôi, đã nhiều lần đến với đền Hùng, tham dự một số lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngay trên mảnh đất Phú Thọ. Nhưng ấn tượng và nhiều cảm xúc nhất là lễ giỗ Tổ Hùng Vương chúng tôi tổ chức ngay trên sân đỗ trực thăng của tàu kiểm ngư KN491 trong hải trình thăm Trường Sa năm 2018.

Đúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch (25/4 dương lịch), đoàn công tác số 10, trong đó có 70 đại biểu kiều bào - ngay tại đảo Trường Sa, đã trọng thể tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. 

Tham dự có tôi - khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trưởng đoàn công tác; Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân và hơn 200 đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, Đảng ủy ngoài nước, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, Sở Ngoại vụ các tỉnh thành và kiều bào đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đây là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay, ngày Giỗ Tổ được đoàn cán bộ ngoại giao và kiều bào tổ chức trên quần đảo Trường Sa.

Có được buổi lễ đặc biệt này, công lớn thuộc về Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái. Trước khi lên tàu, anh Thái bàn với tôi kế hoạch tổ chức nhưng hai anh em giữ bí mật đến phút cuối. Theo hải trình, con tàu KN491 sẽ cập đảo Trường Sa ngày 25/4, đúng ngày 10/3 âm lịch. Công tác tổ chức được anh em hải quân âm thầm chuẩn bị. 

Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Ảnh: NVCC

May mắn trong đoàn có anh Dư Hồng Quảng, một người con của Phú Thọ, được phân công phát biểu về ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. 

Giỗ Tổ Hùng Vương trên quần đảo Trường Sa là dịp đặc biệt để mọi người cùng nhau ôn lại truyền thuyết 50 người con theo Mẹ Âu Cơ lên rừng, 50 người con theo Cha Lạc Long Quân xuống biển.

Tôi thay mặt bà con kiều bào phát biểu cảm tưởng, bày tỏ sự tri ân của người Việt trên toàn thế giới đối với công đức của các Vua Hùng đã dựng xây đất nước; đồng thời khẳng định, dù sinh sống xa quê hương nhưng ngày Giỗ Tổ 10/3 luôn là dịp để kiều bào ta tụ hội, nhân lên sức mạnh chung một cội nguồn, phát huy tinh thần đoàn kết, có những việc làm thiết thực cùng quân và dân trong nước chung tay góp sức giữ gìn biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Nhà văn, nhà báo Lê Thị Hiệu (kiều bào Pháp) khi đó đã xúc động chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị được tham dự một buổi lễ trang trọng và đầy ý nghĩa ngay trên tàu KN491 để tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Đại sứ Lương Thanh Nghị cùng các cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa. Ảnh: NVCC

Giây phút mà đồng bào ta cả trong và ngoài nước cùng hướng về tổ tiên, tôi chợt nhớ lời của nhà thơ Hữu Thỉnh trong một lần đưa các nhà văn kiều bào đến thăm Đền Hùng: “Từ miền đất cội nguồn này, người Việt đã xây dựng cơ đồ trải mấy nghìn năm. Hậu duệ của các Vua Hùng đến nay đã có mặt khắp năm châu bốn biển, sinh cơ lập nghiệp, thành đạt, thành danh và luôn mang trong mình dòng máu Lạc Hồng”.

Có một chi tiết đặc biệt là anh Dư Hồng Quảng rất muốn gửi một số hình ảnh về đất liền để Đài PTTH Phú Thọ có thể phát trong chương trình thời sự tối hôm đó. Song, sóng điện thoại ở Trường Sa chỉ ở mức 2G nên không thể truyền ảnh được. 

Anh Quảng phải nhờ đến sự trợ giúp của Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái. Ba bức ảnh về lễ giỗ Tổ đã được truyền về Cam Ranh, rồi từ đó gửi ra Đài PTTH Phú Thọ. Tin và ảnh của anh Quảng được phát sóng Thời sự Phú Thọ ngay tối 10/3 âm lịch.

Lương Thanh Nghị - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Vương quốc Đan Mạch kiêm nhiệm Cộng hòa Iceland

Bát canh rau muống nấu sấu ở Trường Sa và nghĩa đồng bào

10 ngày lênh đênh trên biển, không wifi, không sóng điện thoại cùng với những trải nghiệm khó quên khi chứng kiến cuộc sống của quân và dân huyện đảo Trường Sa đã tạo nên dấu ấn đặc biệt trong lòng mỗi kiều bào.