Nói cho cùng càng gặp dân khó, càng nhiều phản biện thì càng mở ra cơ hội cho mọi sự phát triển, đi lên.
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm một công trình văn hóa vừa khai trương ở tỉnh nọ. Hoành tráng, ấn tượng, nhất là hai khối đá quý được khắc những hàng chữ vàng ngọc, thiêng liêng và tác giả không ai khác là vị trưởng thượng vốn được nhiều người cậy nhờ.
Ai đó bỗng nói “Khôn làm văn tế, dại làm văn bia” là đây và xịu giọng khi nói rằng, dường như việc làm “quý mà không hiếm” đó cứ được lặp lại ở quá nhiều nơi, nhiều hạng mục to nhỏ, kể cả những thứ vụn. Loãng. Nhạt thế.
Chợt nhớ nhiều việc đình đám ở Thủ đô Hà Nội như tu bổ Tháp Rùa – Hồ Gươm, xây cung nọ, mái kia, khi trang trí xanh đỏ các tuyến phố dịp xuân về, cắm hoa cách điệu và mới đây “trình làng” phố kiểu mẫu… đều vấp phải vô số phản ứng của dư luận.
Dễ thấy, không phải ai cũng hiểu biết cặn kẽ rằng, việc làm mới hay phục chế những công trình, dấu tích văn hóa của cha ông luôn là một việc khó khăn vô cùng, không phải cứ bỏ tiền hay nhiều tiền ra là có kết quả.
Cũng như việc để gìn giữ, nâng tầm cho văn hóa Thăng Long- Hà Nội thì rõ ràng, những xanh đỏ, lập lòe phố xuân, những nhát vữa xi măng vô cảm, những bông hoa ngơ ngác đầu phố kia… là hoàn toàn xa lạ với Phố Phái, với “nước sông Hồng đỏ vì chờ mong”*, với “thềm nắng lá rơi đầy”**… mà bất cứ ai yêu Hà Nội đều biết rõ trong tâm khảm. Người ta kêu là có lý do của nó.
Bây giờ giữa Hà Nội ùn tắc ngày càng tăng, vệ sinh môi trường quá nhiều bất cập, một đoạn phố, con phố kiểu mẫu đúng là việc nên làm, cần làm. Tiếc là phố này lại xanh đỏ tẻ nhạt, đơn điệu và rất khó thu hút sự đồng hành, đồng điệu của xã hội.
Giá như đó là phố mới được thiết kế đẹp, hiện đại, vỉa hè thông thoáng, việc đi lại, sinh hoạt, buôn bán của người dân văn minh, lịch sự, nhất là vệ sinh môi trường thuộc loại “chuẩn”.
Tuyến phố kiểu mẫu của Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ví dụ nhỏ, từng người một, hộ gia đình hay khách vãng lai, người tham gia giao thông mỗi khi đến đây đều biết trước và nghiêm chỉnh chấp hành về vệ sinh môi trường, tuyệt đối không vứt xả rác bữa bãi, kể từ mẩu tàn thuốc lá, bất cứ ai vi phạm sẽ bị nhắc nhở, bị cảnh báo, thậm chí bị phạt.
Rồi việc lớn hơn như quy định về biển hiệu, loa đài, giờ giấc về khuya…
Từ một con phố mà lan tỏa xây dựng thêm nhiều con phố văn minh, lịch sự khác trong tổng thể của một thành phố đang chuyển mình, vừa giữ được bản sắc lại vừa mang nhiều đặc sắc mới mẻ.
Cái biển hiệu đồng loạt xanh – đỏ không hẳn là xấu, chủ yếu nó không phù hợp trong một không gian chung đa dạng của con phố và các liên quan.
Các thành phố lớn cổ kính ở Milan, Verona hay Venice (Italia) mà người viết có dịp đi qua, người ta gần như thống nhất gắn biển hiệu nhỏ gọn, khắc chữ trên tấm biển đồng giản dị bên cạnh mỗi số nhà. Và không thể nói làm như vậy là không ổn, không đẹp và vĩnh cửu?
Trong khi đó, ở Hồng Kong, dễ thấy bao la biển hiệu điện tử hoành tráng, hấp dẫn. Tất nhiên, đó là tuổi tên của các thương hiệu hàng đầu thế mà bất cứ thông tin nào của họ phát ra cũng đều được trả một cái giá tương xứng, đúng tầm.
(Cũng ngoại vi Hà Nội, vùng Ba Vì đất rộng trời cao, biển quảng cáo sữa to vật vã đập vào mắt hai bên đường, không rõ có theo quy định hay điều gì riêng khác không?)
Người viết nhớ lần một vị lãnh đạo nói đại ý: ông trải qua 18 chức danh lãnh đạo từ cấp thành phố tới tỉnh rồi Trung ương, may mắn ở đâu cũng gặp… dân khó tính (truyền thống cách mạng, văn hóa, nhiều chữ, hay nghĩa, ưa phản biện…) nhờ đó mà từng bước trưởng thành, ngày một ít vấp váp đi.
Chuyện “khôn làm văn tế, dại làm văn bia” thời nay, nói cho cùng càng gặp dân khó, càng nhiều phản biện thì càng mở ra cơ hội cho mọi sự phát triển, đi lên.
Cũng chỉ có cách đó, Hà Nội mới mong sớm có một, hai rồi nhiều con phố, tuyến phố mẫu mực, sau khi con phố mẫu đầu tiên sớm chịu cảnh… lên bờ, xuống ruộng, và ai cũng biết lâu nay hễ cứ một người làm thì có khối người chê, làm cũng reo mà không làm lại càng réo…
>> XEM THÊM: