Chăn nuôi theo hướng ATSH là áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý, nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc, gia cầm và môi trường nuôi.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các mô hình chăn nuôi ATSH cũng được quan tâm, qua đó xuất hiện một số mô hình hiệu quả. |
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các mô hình chăn nuôi ATSH cũng được quan tâm, qua đó xuất hiện một số mô hình hiệu quả.
Điển hình như Công ty CP Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả), đây là đơn vị tiên phong trong chăn nuôi ATSH. Bên cạnh áp dụng KHKT trong chăn nuôi, công ty chú trọng chăn nuôi đảm bảo ATSH. Trong đó, kiểm soát chặt việc phun thuốc khử trùng đối với 100% phương tiện ra, vào trang trại; rắc vôi, phun thuốc chuồng trại hằng tuần, quản lý chăm sóc đàn lợn đực giống, đàn lợn nái sinh sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tăng cường quản lý, theo dõi diễn biến tình hình đàn lợn, nhằm phát hiện sớm, báo cáo nhanh khi có dịch bệnh. Cán bộ, nhân viên phải thay đồ bảo hộ trước khi vào trại làm việc; người trả phép phải cách ly nơi làm việc trong 3 ngày; xây dựng khu xuất bán lợn, nhằm hạn chế tối đa các phương tiện vào khu chăn nuôi...
Công ty đã cấm trại tuyệt đối trong thời gian có bệnh dịch, không cho người, phương tiện, động vật vào trại. Đồng thời, xây dựng đường vận chuyển lợn thương phẩm từ khu vực chăn nuôi tới khu vực mua bán. Vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi, nhà ở sinh hoạt, rắc vôi toàn bộ môi trường xung quanh, tổ chức diệt chuột, côn trùng, ruồi muỗi hằng tuần; phun thuốc khử trùng chuồng trại hằng ngày... Với giải pháp này, trang trại lợn của Công ty CP Thiên Thuận Tường là trang trại duy nhất không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi thời gian qua.
Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH AES Mông Dương đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn sinh sản ATSH tại thôn Hà Tranh, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả. Dự án sẽ hỗ trợ bể biogas composite xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản ATSH; hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi tại địa phương cho 16 hộ dân tham gia. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 800 triệu đồng. Mục tiêu của dự án nhằm mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng ATSH trên quy mô gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết: Chăn nuôi theo hướng ATSH hạn chế được dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Áp dụng mô hình ATSH trong chăn nuôi, các hộ phải đảm bảo yêu cầu cụ thể có tính đồng bộ. Trong đó, đặc biệt là giữ đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ, khu vực chăn nuôi cách xa khu dân cư; hạn chế tối đa người lạ ra vào khu vực chăn nuôi; thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi.
Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; các hộ chăn nuôi thực hiện chăm sóc và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ. Đồng thời, nắm vững lai lịch, nguồn gốc, tình trạng bệnh dịch của vật nuôi mới nhập; trước khi nhập vật nuôi phải nuôi cách ly theo quy định; kiểm soát thức ăn, vật tư và dụng cụ chăn nuôi đưa vào trại.
Bích Hạnh