Bảo tồn diện tích rừng ngập mặn khó khăn

Tại Hội thảo Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn mới đây, TS Trương Văn Vinh - Phó trưởng khoa lâm nghiệp (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết, rừng ngập mặn tại Việt Nam được đánh giá là một trong những hệ sinh thái rừng ngập mặn đẹp và có giá trị nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam cũng đang bị suy giảm nhanh cần sự chung tay của chính quyền và người dân giữ lại và trồng mới thêm.

Về bản chất, rừng ngập mặn là môi trường sống cho nhiều loài động thực vật, bảo vệ sự đa dạng sinh học, đồng thời điều hòa khí hậu, ngăn chặn xói mòn, chắn sóng, chắn gió và có chức năng lắng đọng trầm tích mở rộng vùng đất liền. Về lợi ích kinh tế - xã hội, rừng ngập mặn là nơi cung cấp thủy hải sản, các nguyên liệu gỗ củi, dược liệu cũng như phát triển du lịch. Các lợi ích của rừng ngập mặn là không thể bàn cãi, tùy quy mô và vùng sinh thái bảo tồn mà thôi.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Lâm nghiệp, đến hết năm 2022 cả nước còn khoảng 150.000ha rừng ngập mặn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, TP.HCM, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang… Nếu so với thời điểm rừng ngập mặn nhiều nhất (ước tính khoảng 400.000ha) vào năm 1945 thì diện tích hiện nay chỉ còn lại chưa đến 40%. Đáng chú ý, rừng ngập mặn Việt Nam tập trung ở những khu vực địa điểm phía Nam, riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long là 90.000ha.

img 0749.jpg
Rừng ngập mặn Việt Nam tập trung ở những khu vực địa điểm phía Nam, riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long là 90.000ha. Trong ảnh là một góc rừng ngập mặn tại mũi Cà Mau. 

Trong khi đó, do tốc độ tăng dân số nhanh nên việc thiếu đất sản xuất, đất ở đã khiến nhiều cánh rừng ngập mặn biến mất hoặc bị suy giảm nhanh chóng bởi bàn tay tác động của con người. Những khu vực rừng ngập mặn còn lại cũng đang chịu sức ép rất lớn trước làn sóng di dân và đô thị hóa khiến việc bảo tồn những cánh rừng ngày một khó khăn hơn. Đơn cử, cầu Cửa Lục 3 chúng ta nói ban đầu cũng đi qua những cánh rừng ngập mặn tại Cửa Lục – mảng xanh quý hiếm giữa lòng TP Hạ Long.

Nâng diện tích để bán "dịch vụ môi trường"

Mới đây nhiều người đã nghe đến thông tin, Quảng Bình vừa được nhận 82,4 tỉ đồng bán tín chỉ carbon từ gần 600.000ha rừng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho cả nước, nhất là khi Việt Nam có hơn 14,7 triệu ha rừng (rừng tự nhiên và rừng sản xuất). Số tiền này không lớn nhưng mở ra cơ hội bán tín chỉ carbon nói riêng, thay đổi đổi hành vi ứng xử của con người với môi trường với những cánh rừng nói chung.

Quay lại với các cánh rừng ngập mặn, theo TS Trương Văn Vinh, chúng ta hay nói vấn đề sinh kế của người dân trong việc bảo tồn và phát triển rừng hay các khu bảo tồn. Tuy nhiên, nguồn sinh kế ấy đến từ đâu thì không phải khu vực nào cũng có thể chỉ ra được rõ ràng cho người dân. Lấy ví dụ, hơn 1.500 hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng ngập mặn tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã được chỉ ra những nhiệm vụ và quyền lợi hết sức rõ ràng nếu họ chung tay bảo vệ rừng.

“Nếu chúng ta có thể đề ra chính sách biến rừng ngập mặn có thể cung cấp "dịch vụ môi trường". Ví dụ, người dân có thể tham gia khai thác các nguồn lợi từ rừng như: khai thác nguồn lợi thủy hải sản (nhưng có sự kiểm duyệt, hạn mức khai thác), được nhận tiền trồng mới rừng từ bán tín chỉ carbon hay được sản xuất kết hợp với bảo tồn rừng thì câu chuyện giữ và phát triển mới diện tích rừng nói chung, rừng ngập mặn nói riêng sẽ có hướng đi khả quan hơn”, TS Vinh phân tích.

Tuy nhiên ông Vinh cũng cho rằng, những nguồn lợi mà người dân được thụ hưởng từ các "dịch vụ môi trường" hay “tín chỉ carbon” – những "hàng hóa đặc biệt" cần có sự điều tiết của Nhà nước. "Thách thức lớn nhất là làm sao để lợi ích của rừng và rừng ngập mặn nói riêng không còn là lợi ích công cộng mà ai cũng được thụ hưởng miễn phí. Hay nói cách khác, làm sao để buộc người hưởng lợi từ các lợi ích của rừng phải trả tiền và người trồng rừng phải được thụ hưởng quyền lợi của chính họ", ông Vinh chia sẻ thêm.

Được biết, ước tính mỗi năm thế giới mất đi khoảng 2% tổng diện tích rừng, trong đó 60% nguyên nhân là do các hoạt động của con người. Những cánh rừng ngập mặn tại các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam là tâm điểm của sự suy giảm nhanh trong bối cảnh nước biển dâng đã trở thành vấn nạn toàn cầu.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV