Ngày 23/8, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị công bố vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn cho biết, năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án và xác lập khu rừng đặc dụng có diện tích 12.500ha với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Tuy nhiên, phạm vi, vị trí, diện tích mới chỉ là định tính, chưa có sự đồng nhất.

W-tiền hải_5.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn 

Đến nay, khi đã đảm bảo đủ các điều kiện, đồng thời để phù hợp với điều kiện thực tế, tỉnh Thái Bình tiến hành xác lập vị trí, ranh giới, diện tích khu bảo tồn và ban hành quyết định giữ nguyên diện tích.

Theo đó, khu bảo tồn nằm ở vùng ngoài đê số 5, số 6 của huyện Tiền Hải; phía Bắc giáp với vùng cửa Trà Lý và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ; phía Nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ; phía Tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ, khu lấn biển và khu quy hoạch phố biển Đồng Châu; phía Đông giáp với Biển Đông.

Ranh giới khu bảo tồn được xác định bằng 33 điểm tọa độ với tổng diện tích 12.500ha, trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm 2.726ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.774ha. Vùng đệm có diện tích 3.446,5ha được xác định bằng 40 điểm tọa độ, có khoảng cách 1.000m tính từ ranh giới khu bảo tồn.

Tỉnh Thái Bình sẽ tập trung chú trọng dành nguồn lực tiếp tục và phát triển khu bảo tồn. Lãnh đạo tỉnh bày tỏ mong muốn các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ về chuyên môn, nguồn lực, chương trình dự án, doanh nghiệp và người dân chung tay bảo tồn.

W-tiền hải.jpg
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Chiến

Báo cáo tại buổi lễ, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Chiến cho hay, tại khu bảo tồn có 590,7ha rừng ngập mặn. Rừng trong khu bảo tồn liền khoảnh, cây sinh trưởng và phát triển tốt với đa dạng các loài cây ngập mặn (bần, trang, sú, mắm, đước…).

“Các kết quả điều tra, nghiên cứu ở vùng đất ngập nước ven biển Tiền Hải từ trước đây đã cho thấy khu vực này có khoảng 600 loài động vật sống trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông ven bờ. Trong đó, có 2 loài chim nước di cư, trú đông thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến đây trú ngụ và kiếm ăn như cò thìa, rẽ mỏ thìa.

W-tiền hải_2.jpg
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải 

Ngoài các giá trị về bảo tồn thiên nhiên, khu đất ngập nước Tiền Hải còn có giá trị rất lớn về kinh tế ven biển. Đây là nơi cư trú, sinh sản nhiều loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế. Nguồn lợi thủy sản tự nhiên ven bờ hàng năm đã mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho rất nhiều cư dân ven biển.

Giá trị đa dụng của rừng ngập mặn tạo nên tiềm năng rất lớn cho việc phát triển du lịch sinh thái, khả năng lưu giữ các-bon. Là nơi học tập và nghiên cứu khoa học, nơi lưu giữ nguồn gen động vật và thực vật đặc trưng của khu vực cửa sông, ven biển”, ông Chiến chia sẻ.